Quán cà phê có khu vui chơi cho trẻ em được nhiều phụ huynh lựa chọn

Lợi thế

Chị Trần Thị Họp, sinh năm 1987, chủ quán cho biết: “Từ khi có em bé đầu lòng, vợ chồng mình đã manh nha theo đuổi ý tưởng về quán cà phê kết hợp sân chơi dành cho trẻ em. Năm 2016, bắt đầu hiện thực nó. Ngoài phục vụ cho các bậc phụ huynh, quán của mình còn đáp ứng chính nhu cầu vui chơi của các bé trong gia đình”.

Khác với quán cà phê thông thường, việc tạo lập sân chơi sẽ tạo ra lợi thế lớn. “Ngoài việc tìm hiểu tài liệu, tham khảo các mô hình tương tự ở TP. Hồ Chí Minh, Hàn Quốc, mình còn đặt bản thân vào vị trí của khách hàng. Nhiều trường hợp các bậc cha mẹ muốn được trò chuyện, thư giãn cùng nhau song lại bị vướng ở chỗ chơi cho con. Các bé thường hay mè nheo, làm nũng rất bất lợi. Đó là chưa kể những quán cà phê có cách bài trí phức tạp dễ gây nguy hiểm cho bé…”, chị Họp cho biết.

Cũng với mô hình tương tự, khi có mặt tại quán cà phê Garden nằm trên đường Hà Nội vào sáng thứ bảy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với không khí náo nhiệt nơi này. Hàng chục em nhỏ đang hồ hởi cùng xích đu, cầu trượt, đu quay. Các bé ít tuổi thì tung tăng với nhà bóng. Ngay cạnh những tiếng nô đùa, cười vui là các mẹ, các bố đang ăn uống, trò chuyện rôm rả.

Năm 2016, quán cà phê này đầu tư không gian vui chơi dành cho các bé. Anh Dung, 32 tuổi đang chơi cùng con cạnh cầu trượt hồ hởi: “Cứ thứ bảy, chủ nhật là gia đình mình cùng nhau đến quán này. Không gian nhiều cây xanh, thân thiện, lại được vui chơi miễn phí. Với mình đây là lựa chọn hoàn hảo để vừa thư giãn, vừa chơi đùa cùng con”.

Thông thường, những quán cà phê dạng này rất đông khách vào ngày nghỉ, lễ. Để có kinh phí duy trì hoạt động quán, và mua sắm đồ chơi, ngoài phục vụ cà phê, các loại đồ uống thì chị Họp còn có dịch vụ cho thuê địa điểm. Tới đây, cô chủ 31 tuổi sẽ cung cấp thêm chương trình dạy kỹ năng, làm đồ handmade.

Phát triển

Mô hình của chị Họp cũng gặp không ít thử thách. “Vào thời gian đầu, tim mình hay thắt lại mỗi khi nghe tiếng động lớn từ khu vui chơi của các bé. Có kinh nghiệm với con nên mình rất lo các bé hiếu động quá mức, khi leo trèo dễ gây tai nạn”, cô chủ tâm sự.

Để giải quyết tình trạng trên, chị đã làm tách biệt hai khu vui chơi. “Với các bé nhỏ tuổi, mình sẽ hướng dẫn phụ huynh lên tầng hai. Ở đó có đồ chơi, như lego, các loại xe, bóng. Không gian tràn ngập sắc màu và các trò chơi đơn giản, không gây nguy hiểm. Riêng đối với khu vực chơi tại tầng một, mình luôn nhắc nhở các nhân viên để mắt đến các em vì tại đây có cầu trượt, thang leo”, chị Họp cho biết thêm.

Với đồ chơi, ngoài việc chọn mua ở địa chỉ tin cậy, thường xuyên vệ sinh thì cô chủ trẻ còn lưu ý đến phản hồi của khách.

Không chỉ hình thành và phát triển trong môi trường thành phố, quán cà phê kèm sân chơi cho bé đã xuất hiện tại khu vực trung tâm thị trấn Phú Lộc. Nhận thấy lợi thế từ mô hình này, không chỉ quán cà phê, một số quán kem trên địa bàn TP. Huế cũng đã đầu tư thú nhún, khu vực vui chơi cho các em nhỏ. Sự “biến tấu” của loại hình kinh doanh này là phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Với môi trường lành mạnh, gắn kết tình thân, quán cà phê kèm khu vui chơi là sự lựa chọn hợp lý cho nhiều gia đình.

Mai Huế