Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Dương Thành Bắc đã trình bày tham luận tại phiên họp.
Bài tham luận của ông Dương Thành Bắc có tiêu đề “Tính cạnh tranh và nền tài phán quốc gia - không gian cho tự do kinh doanh” tập trung vào mục tiêu toàn cầu và những nhiệm vụ đặt ra hiện nay đối với cộng đồng luật học.
Ông Dương Thành Bắc chỉ ra rằng kinh tế thị trường vận động theo quy luật cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia quyết định sự phát triển của quốc gia đó. Trong khi đó, tính cạnh tranh lại có mối liên hệ rất mật thiết với môi trường tự do kinh doanh và nền tài phán quốc gia.
Căn cứ thực tế ở Việt Nam, ông Dương Thành Bắc nêu ra một số vấn đề trong kinh doanh hiện nay ở các nền kinh tế thị trường như hiệu quả bảo vệ doanh nghiệp của nền tài phán để doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh trước những đối thủ độc quyền, nhất là độc quyền nhà nước. Đây là tình trạng khá phổ biến trong các nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, trong đó có Việt Nam.
Thực thi pháp luật cũng đang là gánh nặng đối với tòa án và các cơ quan hành chính. Vì vậy, nền tài phán quốc gia phải giải phóng gánh nặng này bằng cách chấp nhận và tạo điều kiện cho sự phát triển của những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp. Trong số các phương thức đó, gần gũi và tương đối phổ biến ở Việt Nam là thiết chế trọng tài.
Theo Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, bảo vệ quyền sở hữu đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền tài phán, trong đó nhân tố nền tảng là tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.
Ông cũng khẳng định với các đồng nghiệp nước ngoài rằng theo quan điểm của Việt Nam, các trụ cột chính của hệ thống pháp lý phải là tính độc lập của tòa án, phát triển thể chế các tòa án trọng tài, không có sức ép hành chính, tốc độ giải quyết tranh chấp cao.
Kết luận bản tham luận, ông Dương Thành Bắc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc đảm bảo môi trường tự do kinh doanh, thúc đẩy tính cạnh tranh của quốc gia cũng như của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc tổ chức, chức năng nhiệm vụ của nền tài phán quốc gia. Sự hoàn thiện nền tài phán quốc gia chắc chắn sẽ mang lại những hiệu ứng lớn cho sự phát triển của các nước.
Với nhận thức như vậy, Việt Nam đang triển khai rất nhiều cải cách nhằm hoàn thiện thể chế, trong đó có nền tài phán quốc gia và Việt Nam mong muốn chia sẻ kinh nghiệm này.
Theo Vietnam+