Trang đời mới mở ra trước cô nữ sinh lớp 12 phơi phới tuổi mười tám. Hình ảnh con đường tới trường vắt qua đồng lúa, mùa mưa nhầy nhụa bùn, mùa nắng mù mắt vì bụi giờ đã xưa thành kỷ niệm. Giờ đây, với một thôi đường nhựa, với thời gian chưa đủ để nhai nát chiếc kẹo cao su, chiếc xe tay ga đã nhẹ nhàng đưa nàng tới trường. Mỗi khi con gái không đến lớp được, chỉ cần người cha nhấc máy điện thoại lên thay vì phải viết giấy phép, chạy đi nhờ mấy nhỏ bạn trong xóm như ngày nào. Cả quãng đời học sinh của mình, nàng nhớ chưa một lần thầy cô đến thăm nhà. Những người khả kính ấy giờ hay đến nhà học trò; đến không phải với dáng vẻ tự tin, hạ cố ban phát niềm vui cho kẻ dưới mà đến rụt rè, khép nép. Đơn giản là họ nhờ ba nàng, khi thì suất đất làm nhà, lúc xin việc cho con. “Cụ đi công tác bao giờ về?” “Tối nay sếp ở nhà không?” “Có gì em nói giúp cho tiếng nghe.” Những lời rỉ tai, khẩn khoản đại loại như thế khiến nàng bỗng thấy mình lớn lên và quan trọng hẳn ra.
Cả tiệc mừng nàng trở thành cử tri cũng lạ, đến cái đầu lắm mộng mơ của tuổi mười tám cũng không tưởng nổi. Bạn bè của nhân vật chính không mấy người, phần nhiều là bạn của ba. Những ông bụng to trán hói, những bà tưởng lăn nhanh hơn đi, trước ba nàng đều nhũn như con bún tươi. Tan tiệc, nàng ngây ngất nhìn những sản phẩm của văn minh vật chất. Đây là dàn karaoke để “em nó ca cho vui”; kia là ti-vi màn hình siêu mỏng đặt trong phòng riêng “để cháu xem cho tiện”. Những xấp lụa may áo dài, cặp có gắn máy tính điện tử các kiểu, cát xét nghe nhạc đời mới... tất nhiên thuộc loại lèm nhèm rồi. Nàng thích nhất là chiếc đàn yamaha mới cứng… Tự nhiên nàng thấy hãnh diện, niềm hãnh diện cụ thể tưởng như sờ được.
Cứ thế nàng nhìn lên, đi tới; đâu hay ngay hôm gia đình mới dọn đến, bên kia bức tường tua tủa mảnh chai, có người con trai nhìn trộm nàng. Sẽ chẳng bao giờ nàng để ý ngôi nhà tôn thấp tè bên kia rào nếu đêm đêm không nghe tiếng ghi ta bập bùng từ nơi ấy. Nàng có dịp nhìn rõ người chơi đàn, hôm anh thay mẹ qua nhà nàng xách nước cơm cho heo. Người thấp, đen, nụ cười rụt rè, cả ánh nhìn cũng e dè. Nhìn dáng lóng ngóng của chàng hàng xóm, nàng thấy tội nghiệp. Khi anh san cái xô nhờ nhờ màu nước hến, mặt trên lều phều vài miếng mỡ với mấy cọng rau, nàng liền bịt mũi, chạy đi bởi mùi tanh của cá lẫn với mùi cơm thiu chua loét. Một bên vai anh lệch đi bởi xô nước tổng hợp nặng mùi. Bất ngờ chiếc quai nhựa đứt tung, đầu tôm xương cá tóe ra, bám cả lên tóc anh. Nghe tiếng cười vô tư của nàng, anh quay lại với đôi mắt chứa nhiều dấu hỏi rồi đôi vai xuôi xuôi khuất dần sau hàng dừa kiểng.
Sau vụ bể xô, bóng anh mất hút, tiếng đàn đêm cũng mất theo. Chừng đâu mười hôm lại thấy anh chiều chiều xách nước tưới cho luống rau muống sát bờ rào. Anh tưới đi tưới lại cho đến khi nàng ra dây phơi rút quần áo đem vô nhà mới thôi. Nàng đeo kính cận một điốp nhưng nội dung ngụy bằng hình thức tưới rau kia làm sao qua được mắt nàng. Mặt nàng lờ đi nhưng ý nghĩ thì vênh lên: “Xin phép, quên đi nhé!”
Một chiều, khi nắng đã nhạt, nàng ra vườn cắt tỉa mấy chậu hoa. Chiếc kéo trong tay rin rít một hồi rồi rời thành hai mảnh; nàng đang lúng túng thì anh xuất hiện bên kia rào. Anh mặc áo lót, người lem nhem dính màu, tay đang cầm cọ vẽ. Anh mỉm cười thân thiện: “Đưa anh sửa cho.” Anh? Tự bao giờ thế? Tán chăng? Chàng thợ mộc bắt đầu ra cưa đây?! Tư tưởng cảnh giác trỗi dậy, nàng thu tay lại: “Cảm ơn nhưng em không dám phiền”. Sau câu trả lời lạnh như đám mảnh chai trên tường rào kia, nàng vô nhà. Anh ngơ ngác nhìn theo.
***
Giờ thì nàng thật sự ngại khi qua chỗ đông người. Tình yêu như mưa bóng mây thời áo trắng đã lùi xa. Một nửa của đời nàng đang trôi nổi nơi đâu giữa hơn chín chục triệu người của đất nước này. Phải thông minh, có tiền đồ sự nghiệp, phải hơn nàng để mãi là bóng tỏa vững chắc- ấy là hình ảnh người chồng mơ ước của nàng. Mặc ngày ngắn đêm dài và nỗi lo con gái càng thêm trĩu nặng, mặc bạn bè khuyên đừng treo cao giá ngọc, nàng vẫn kiên định như đã kiên định trên bước đường lập thân. Vào đại học, học giỏi rồi học cao học; sau khi có bằng tiến sĩ, nàng được giữ lại làm giáo viên. Mỗi khi nàng bước vô phòng thi, đám sinh viên sợ xanh mặt, những cô cậu ưa quay cóp tặng cô giáo danh hiệu rất dã man “đao phủ thời mở cửa”. Trái lại, cứ nhìn hoa phượng đỏ, nàng lại sợ phải chia tay học trò. Nghĩ hè cũng có nghĩa nàng về thăm lại “chùm khế ngọt”. Chỉ chờ thế, người mẹ lại ca “bài ca không quên”, cứ như con gái bà đã ế chồng tới nơi. Với giọng rầu rầu, bà nói đi nói lại như những mẩu quảng cáo trên ti vi, cho đến khi con gái bỏ vào phòng riêng mới thôi.
Lần này, vừa bước vào phòng riêng của mình, nàng sững người thấy bức tranh sơn dầu cỡ lớn, đặc tả một thiếu nữ. Nàng chớp mắt, nhìn sát bức tranh rồi lùi ra xa, căng mắt. “Ta đó ư?”, nàng sung sướng mỉm cười. Nghe con gái gọi, mẹ nàng từ dưới bếp chạy lên. “Ai vẽ con đây, mẹ?” “Thằng Hạ chớ ai.”
Ôi, sản phẩm của trí tuệ và trái tim này là của chàng hàng xóm từng qua nhà nàng xách nước cơm cho heo? Con người đen như cột nhà cháy ấy lại tài hoa đến nhường này? Chưa hết ngạc nhiên, nàng lặng đi trong xúc động. Chừng đó năm- khoảng cách đủ để thời gian đóng những đường hằn không mong đợi trên má nàng mà trong lòng anh, nàng vẫn sống động, xinh tươi như ngày nào. Còn nàng... “Trước hôm cả nhà dọn ra nước ngoài-Mẹ nàng nói- Hạ qua đây chào từ biệt. Mặt nó buồn lắm, tay ôm bức tranh này, nói là tặng con. Nghe đâu hôm triển lãm ở nhà văn hóa thành phố, có ông tây trả bức tranh này cả mấy ngàn đô mà nó không bán.”
Còn lại một mình trong phòng, nàng ngã người trên chiếc ghế “lười biếng”. Hai bàn tay đan vào nhau gối đầu, nhìn bức tranh, nàng nghĩ mông lung. Sao không là “Thiếu nữ bên hoa huệ”* hay “Thiếu nữ bên hoa sen”*, anh lại đề tựa cho tác phẩm của mình “Thiếu nữ trong nhung lụa”? Nàng nhìn kỹ người trong tranh. Khuôn mặt khả ái ngời lên nét thanh tao, quý phái; trên nền vàng tươi, với tà áo dài trắng, cô gái đẹp huyền ảo, sang trọng; đặc biệt đôi mắt to ngước cao dường như chỉ để chiêm ngưỡng những điều xa xôi, mới mẻ. “Ta chật hẹp trong nền vàng này và xa lạ đến vậy sao?”-nàng tự vấn. Nghiệm ra ý tưởng của anh, tự nhiên nàng thấy nghèn nghẹn nơi cổ và nóng ran nơi mặt.
* Những tác phẩm của hai danh họa Tô Ngọc Vân và Nguyễn Sáng.
Nguyễn Trọng Hoạt