Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Chính ủy BĐBP tỉnh hỗ trợ gạo cho đồng bào nghèo ở A Lưới. Ảnh: Quốc Tuấn

Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 150 của Đảng ủy Quân sự Trung ương, nhằm nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của công tác vận động quần chúng, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy tập trung lãnh đạo xây dựng các mô hình, dự án giúp nhân dân ở các xã biên giới, hải đảo phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mỗi đồn biên phòng đều phải lựa chọn một mô hình giúp dân cụ thể, khắc phục tình trạng hô hào chung hoặc dàn trải thiếu hiệu quả thực tế; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở chính trị gắn với mô hình thí điểm phát triển kinh tế. Các đơn vị tiếp tục tăng cường cán bộ, sĩ quan cho các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ biên phòng vừa triển khai nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Các tổ, đội công tác biên phòng tăng cường xuống địa bàn thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), trực tiếp tham gia cùng quần chúng tăng gia lao động sản xuất...

Trong thời gian qua, BĐBP tỉnh trực tiếp làm chủ đầu tư 112 công trình dân sinh, xây dựng 20 mô hình điểm phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng tình thương và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã vận động, quyên góp trên 2,7 tỷ đồng xây dựng 54 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, 2 công trình dân sinh, xây dựng 42 căn nhà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vật chất trị giá trên 260 triệu đồng cho nhân dân bản Ka Lô (Lào) định cư. Những việc làm đó, đã làm chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tăng cường niềm tin của quần chúng với Đảng và chính quyền, củng cố tình đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế gắn với đẩy mạnh các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ biên giới được lãnh đạo các địa phương đồng tình ủng hộ, quần chúng nhân dân tích cực tham gia, mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều đó được chứng minh bằng sự khởi sắc của từng hộ gia đình, sự đổi thay nhanh chóng của các bàn, làng vùng sâu vùng xa.

Bên bếp lửa bập bùng, Già làng Quỳnh Lích, ở Thôn Chai, xã Đông Sơn tươi nét mặt kể cho con cháu nghe những việc làm của những người lính biên phòng: “Bộ đội đã giúp dân mình thoát cái đói nghèo bằng chính đôi tay của mình và ngay trên mảnh đất quê hương mình, giúp dân mình làm nhà, dạy dân mình biết ở vệ sinh, chữa cái bệnh cho bản mình… Dân bản mình ơn Đảng, ơn Bộ đội Biên phòng lắm!”. Hộ gia đình già làng Quỳnh Lích bây giờ đã chia tay với đói nghèo, lạc hậu. Nhờ cán bộ biên phòng tuyên truyền, giúp đỡ, họ đã từ bỏ phương thức sản xuất du canh, du cư, sống dựa vào núi rừng, phát triển kinh tế dựa trên những điều kiện thuận lợi của mảnh đất này. Rừng tràm của gia đình Già dần phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc trước đây; ao thả cá, vườn rau xanh, gia súc gia cầm trong chuồng cũng đã tăng lên đáng kể. Hàng ngày, Già làng Quỳnh Lích vẫn cùng bộ đội biên phòng vỡ đất hoang hóa để “biến sỏi đá thành cơm”. Cứ thế, những việc làm bình dị của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng được lang truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi lớp lớp con cháu của bản làng nghe theo bộ đội khai hoang đầu tư sản xuất nâng cao đời sống, chung tay góp sức cùng BĐBP bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.

Hồ Việt