Người dân huyện Phong Điền đăng ký tham gia BHXHTN

Thiếu mấy tháng nữa, ông Trần Trai, thành viên Ban chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Điền Lộc, đủ 60 tuổi. Thời điểm này, ông mới bắt đầu tham gia BHXHTN. Ông cười phân bua, ban đầu, vợ con tui phản đối ghê lắm, lúc trẻ không tham gia, lớn tuổi rồi đóng BHXH làm chi nữa, chẳng may qua đời thì “tiền mất, tật mang”. Quyết định đóng BHXHTN không riêng ông Trai mà tất cả 8 thành viên trong Ban Chủ nhiệm HTX cùng tham gia. Họ phân tích, mình là “dân bầu, xã cử” nên không có tuổi nghỉ hưu, còn sức khỏe là còn làm việc, cứ đóng đủ 20 năm thì hưởng chế độ hưu trí. Chưa kể, mức đóng tối thiểu bằng 22% mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn (700.000 đồng). Như vậy, người tham gia BHXHTN có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng (chưa kể hộ nghèo, cận nghèo và người bình thường được giảm mức đóng). Nông dân có thể tự chọn các mức đóng để có mức hưởng lương hưu cao hơn khi về già. Phương thức tham gia đơn giản, có thể đóng hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc 5 năm một lần.

HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Điền Lộc thành lập từ năm 1976, có người gắn bó ở đây ngót nghét gần 30 năm, song chưa bao giờ được tham gia BHXH. Ông Trần Đình Khôi, Chủ nhiệm HTX, phân bua: “Theo quy định, lao động làm việc tại HTX có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, mức thu nhập của xã viên ở đây rất thấp, tầm 2 triệu đồng/người/tháng, trong khi phải đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu vùng nên họ không mặn mà. Suốt thời gian dài, xã viên vẫn chưa tiếp cận được với chính sách BHXH, hiểu chưa thấu đáo có một chính sách an sinh xã hội dành cho họ”.

Trở lại câu chuyện đóng BHXH phổ biến ở độ từ 55 đến 60 tuổi tại xã Điền Lộc - đơn vị thứ hai trên địa bàn huyện Phong Điền tham gia BHXHTN cho xã viên. Câu chuyện ấy dấy lên ở một vùng quê và có sức lan tỏa khi đi đâu người ta cũng kháo nhau về những lão nông “ăn chắc, mặc bền” sẽ có lương hưu sau 10 năm nữa. Từ đó, nhiều xã viên của HTX bắt đầu nghĩ về loại hình bảo hiểm mang tính nhân văn này khi thấy mình còn sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Nhất Tây nói: “Chúng tôi thực sự lo lắng vì bữa nay nhà nào con cái cũng đi làm ăn xa. Sức lao động không còn, không có tiền bạc tích lũy nên sẽ rất khó khăn. Tôi mong muốn tham gia BHXHTN để có lương hưu, hay chuyện khi qua đời cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền mai táng phí, tử tuất… thì khỏi phải làm phiền con cháu”. Tâm tư của ông Nghĩa cũng là mong muốn của nhiều người nên không ít các đội, nhóm tham gia sản xuất, phát triển nhiều mô hình kinh tế nhỏ, mang lại nguồn thu đáng kể để có nguồn phúc lợi đóng BHXHTN cho hội viên.

Ở cái tuổi ngoài tuổi hưu theo quy định được cho là muộn khi tham gia BHXH nhưng không gặp rủi ro. Chẳng hạn, một nông dân 60 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXHTN, họ đóng trong vòng 10 năm (đến 70 tuổi) thì 10 năm còn lại được quyền đóng 1 lần để được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề. Nếu xã viên đóng trong vòng 5 năm nhưng không may qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng tiền tuất, mai táng phí và nhận lại số tiền đã đóng. Còn đóng dưới 5 năm nhưng không có khả năng đóng tiếp, sau một năm, ngành BHXH sẽ trả lại số tiền đã đóng cho xã viên. Ông Trần Vu, ở thôn Nhì Đông (xã Điền Lộc) bấm ngón tay nhẩm tính: “Tôi đóng BHXHTN trong vòng 5 năm với số tiền trên 8 triệu đồng, nếu tôi gặp bất trắc, gia đình tôi sẽ nhận được trên 20 triệu đồng (chưa kể lương tối thiểu tăng hàng năm), và lấy lại số tiền mà tôi đã đóng. Tôi được cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc”.

Giám đốc BHXH huyện Phong Điền, ông Lê Đình Hòa thừa nhận: “Người lao động hiện vẫn chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng khi về già. Mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia. Sắp đến, mô hình HTX đóng BHXHTN cho xã viên sẽ được nhân rộng, nhất là những HTX không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc”.

Bài, ảnh: Huế Thu