Ông Nguyễn Văn Thịnh (thứ năm từ trái sang) trao cờ lưu niệm tại một giải cờ vua, cờ tướng của ngành Giáo dục

Câu chuyện về cờ đang đến hồi cao trào ông Thịnh đành hẹn chúng tôi một dịp khác do phải về sân bay Phú Bài để đón Võ Nguyễn Quỳnh Như, nữ kỳ thủ giành HCB cờ tướng nội dung cờ tiêu chuẩn tại Giải vô địch trẻ thế giới tổ chức ở Vương quốc Anh. “Trong thể thao, Huế không mạnh về môn đòi hỏi nhiều kinh phí nhưng ở sân chơi trí tuệ, chúng ta không thiếu những tài năng”, ông giải thích đầy tự hào.

“Lần đầu tiên tôi thấy bộ cờ vua vào cuối năm 1979 khi đang làm Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Thiếu nhi (VHTN) Huế. Trong một dịp tiếp ông Nguyễn Hợp Phát, Hội đồng Đội Trung ương, Phó Tổng thư ký Hội Cờ Việt Nam tôi đã đề cập đến việc phát triển cờ Quốc tế (tên gọi của cờ Vua vào thời kỳ đó) ở Huế. Với sự đồng ý và hỗ trợ của Ban Thường vụ Thành đoàn Huế, tôi cùng những cộng sự từng bước tiến hành xây dựng tổ chức, huấn luyện và tổ chức thi đấu bộ môn này cho Huế”, ông Thịnh kể.

Cuối năm 1979, ông Thịnh đến Trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đặt làm 50 bộ quân cờ vua bằng gỗ cho Huế. Tháng 4/1980, ông vận động Hội Cờ Việt Nam cử các ông Lê Uy Vệ (Phó Chủ tịch), Nguyễn Văn Giảng (Chánh Văn phòng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch), Hoàng Tuấn Anh (Ban huấn luyện) đến  Nhà VHTN Huế mở lớp tập huấn đầu tiên về cờ quốc tế cho 30 học viên; tháng 12/1980, lập đội cờ TP. Huế đầu tiên ra Hà Nội tham dự giải cờ quốc tế Việt Nam... “Đây là thời kỳ non trẻ của bộ môn cờ ở Huế. Tổ chức được đội tuyển tham gia giải đã là một thành công của Huế vì thời kỳ này các kỳ thủ miền Bắc rất mạnh do được đào tạo và rèn luyện từ các nước trong khối XHCN”, ông Thịnh nhớ lại.

Sau khi đăng cai tổ chức giải cờ quốc tế học sinh toàn quốc lần thứ I năm 1981 và vận động thành lập được chi hội cờ TP. Huế năm 1982, phong trào cờ quốc tế lan tỏa và phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Bình Trị Thiên. “Lúc ấy Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội và Nhà VHTN Huế cùng phát động phong trào tất cả phụ trách Đội phải biết chơi cờ và phấn đấu trường tiểu học có 100% học sinh biết chơi cờ. Nhờ vậy đã tạo được hiệu ứng lan tỏa phong trào trên diện rộng”, ông Thịnh nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (thứ nhất bên trái) trao giải cho các VĐV đoạt huy chương.

Tháng 6/1982, ông Thịnh đưa Đội tuyển học sinh Bình Trị Thiên tham gia giải cờ quốc tế thiếu niên toàn quốc lần thứ II tại TP. Hồ Chí Minh và vận động viên (VĐV) Nguyễn Thị Thuận Hóa đã đạt giải nhì toàn quốc. Nhớ lại những ngày đó, VĐV Thuận Hóa (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT Huế) cho biết: “Thời kỳ đó khó khăn nhưng rất vui. Được thầy Thịnh chỉ bảo và tham gia thi đấu là những kỷ niệm không bao giờ quên”.

Năm 1992, Liên đoàn Cờ Thừa Thiên Huế được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về công tác tổ chức cho bộ môn cờ Huế từ phong trào cho đến thi đấu đỉnh cao. Một loạt các VĐV cờ vua tạo được tiếng vang cho Thừa Thiên Huế, như Nguyễn Thị Thuận Hóa, Nguyễn Phú, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thanh Sơn, Ngô Thành Tùng… xuất hiện. Đồng hành cùng họ, luôn có hình bóng của ông Nguyễn Văn Thịnh.

Nói về ông Thịnh, ông Bảo Tài, Trưởng Bộ môn Cờ Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Đó là người anh cả, người khai mở phong trào cờ của Huế. Phong trào cờ Huế có được như hôm nay, anh Thịnh đóng góp một phần công sức không nhỏ”. Anh Ngô Thanh Tùng, VĐV đoạt 3 HCV Giải Cờ vua cờ tướng của Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ VIII năm 2018 cho biết: “Dù không trực tiếp được thầy Thịnh huấn luyện hay dạy bảo nhưng qua các hoạt động cờ thầy để lại trong em nhiều ấn tượng. Đó là một người hết lòng vì phong trào, năng nổ nhiệt huyết trong các hoạt động”.

Tuy chưa đạt được thành tích ở các giải thi đấu đỉnh cao với nhiều lý do, nhưng Thừa Thiên Huế luôn khẳng định được vị thế ở các giải trẻ một phần cũng nhờ cách làm của làng cờ Thừa Thiên Huế, trong đó có đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Văn Thịnh. “Tôi và các anh em đã đề ra tư tưởng chủ đạo cho phong trào là: “Hai chân – ba mũi”, có nghĩa phải xây dựng thế đứng vững mạnh trên hai chân, địa phương và trung ương; Với ba mũi thì phải tranh thủ vận động ngành TDTT, ngành giáo dục và đào tạo, đoàn Thanh niên”. Bên cạnh đó, phương án hành động dựa trên hệ thống quy chiếu Descartes “Không gian 3 chiều” của ông Thịnh là bồi dưỡng năng khiếu từ nghiệp dư đến VĐV quốc gia. Tổ chức thi đấu từ cấp cơ sở đến quốc tế và xây dựng tổ chức từ CLB cơ sở đến Liên đoàn cờ Việt Nam đã giúp Thừa Thiên Huế phát triển phong trào rộng khắp, vững mạnh hơn 30 năm qua.

Ở tuổi 70, ông Nguyễn Văn Thịnh vẫn đau đáu về việc phát triển phong trào cờ ở Huế. “Huế không thiếu tài năng về cờ, minh chứng là các giải trẻ VĐV Huế đều đạt thứ hạng cao nhưng ở các giải thi đấu đỉnh cao VĐV Huế chỉ có những kết quả khiêm tốn”, ông trầm ngâm. Tuy nhiên với ông: “Đầu tư cho môn cờ là góp phần giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ vì trong môn chơi trí tuệ này đòi hỏi chất xám, sự linh hoạt và cả tính kiên nhẫn bên cạnh việc gặt hái thành tích”.

Bài, ảnh: Thành Nhân