Con đường dốc lên, dốc xuống, khúc khuỷu, gập ghềnh, chiếc xe lắc lư đưa chúng tôi tiến về bản Ka Lô. Đường thì vậy, thế mà 4 năm về trước, trên lộ trình này những cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh chỉ dùng sức người với đôi vai của mình vận chuyển nguyên vật liệu suốt mấy tháng ròng để xây nhà, giúp dân bản ổn định cuộc sống. Ka Lô lúc đó chỉ là một thung lũng um tùm, gai góc, nằm giữa những ngọn núi hoang vu. Nhưng với ý chí giúp bạn chính là giúp mình của cán bộ, chiến sĩ “quân hàm xanh”, giờ đây những mái nhà vững chãi lợp tôn xanh có kiến trúc mang đậm nét văn hóa dân bản địa đã mọc lên san sát bên nhau, ẩn hiện dưới làn khói bếp sum vầy của mỗi gia đình. Số ngày công thì có thể tính được, nhưng những giọt mồ hôi, tâm sức bỏ ra thì không thể tính xuể. Nói như Thượng tá Đồng Xuân Quỳnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt: “Giá trị tâm sức sao tính được bằng tiền”.
Lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tỉnh tặng quà cho nhân dân bản Ka Lô. Ảnh:Bá Trí |
Ngồi quây quần với gia đình bên bếp lửa trong căn nhà sàn khang trang, ông Son Chăn – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản KaLô hồ hởi: “Ơn bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế lắm! Nhờ bộ đội mà dân bản mình đã có nhà để ở, có gạo để ăn, con cái lại được học hành... Giờ đây dân bản mình chẳng phải du canh, du cư nữa”. Ở bản Ka Lô lúc này, bà con đang tận hưởng hương vị của một cuộc sống mới, cuộc sống đoàn tụ, sum vầy. Tất cả khiến họ cảm tưởng như đang trải qua một giấc mơ diệu kỳ mà các chiến sĩ biên phòng tỉnh đã dệt nên cho họ.
Trong cái nắng ấm áp của một ngày mới, từng cặp vợ chồng dắt con gửi cho lớp học do thầy giáo công an Lào và chiến sĩ “quân hàm xanh” Thừa Thiên Huế phụ trách, rồi họ cùng nhau hăng say lên nương, làm rẫy. Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ, ân cần của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, bà con bắt đầu học cách trồng lúa, trồng ngô, chăm sóc rau màu… Sức xuân đang hiện hữu trên khắp bản Ka Lô này.