27 thành phố lớn nhất thế giới vừa đạt cột mốc quan trọng trong kiềm chế phát thải khí nhà kính. Ảnh: Twitter

Các thành phố thực hiện điều này bằng cách cắt giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng và giảm chất thải, theo C40 Cities, một mạng lưới các thành phố lớn đóng vai trò là các nhà lãnh đạo trong việc chống lại biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu do C40 thực hiện chỉ ra, cho đến nay, các thành phố đã “chạm đỉnh” lượng phát thải khí nhà kính được ghi nhận tại các quốc gia công nghiệp ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia.

Thị trưởng thủ đô Paris của Pháp, bà Anne Hidalgo nhận định: “Chúng tôi có thể chứng minh rằng, chúng tôi cũng có thể tạo việc làm, tạo ra các cơ hội với quá trình chuyển đổi sinh thái”.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của các thành phố đang phát triển trên thế giới trong danh sách này cũng cho thấy, họ có thể cần thêm kinh phí để thực hiện những thay đổi cần thiết. “Chúng ta phải cố gắng nhắm vào các quỹ hướng tới sự chuyển đổi sinh thái và năng lượng ở những nơi cấp bách nhất, bao gồm các thành phố đang phát triển”, bà Hidalgo nói với tổ chức Thomson Reuters Foundation.

Trong một động thái liên quan, ông Michael Burger, Giám đốc điều hành Trung tâm Sabin về Luật Biến đổi khí hậu tại Đại học Columbia (New York) cho hay, nhiều quốc gia nghèo hơn vẫn đang phát triển, phát thải khí nhà kính vẫn có thể tăng lên.

“Các quốc gia đang trên những con đường phát triển khác nhau; vì vậy, các thành phố khác nhau sẽ chạm mức phát thải cao nhất vào những thời điểm khác nhau”, ông Burger nói thêm.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters & Devdiscourse)