Ảnh minh họa: The ASEAN Post

Trong đó chương trình nghị sự 2030 là lời kêu gọi hành động để kết thúc đói nghèo và đảm bảo mọi cá nhân đều được sống trong hòa bình, thịnh vượng thông qua quan hệ đối tác toàn cầu.

Được xây dựng trên thành công của những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MSDGs) trong giai đoạn 2000 – 2015, chương trình nghị sự 2030 ra đời để đề ra và giám sát 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Theo đó, mục tiêu của các SDG là đạt được các thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo sức khỏe và chế độ phúc lợi cho người dân, đảm bảo giáo dục, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, bất bình đằng kinh tế, đối phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo hòa bình, công bằng...

Một trong những đặc điểm chính của các SDG là tính liên kết về mục tiêu. Điều này có nghĩa không có mục tiêu nào có thể thành công riêng biệt nếu không có sự hỗ trợ của các mục tiêu khác. Do đó, những nỗ lực hướng tới đạt được một mục tiêu bất kỳ đều sẽ tác động đến sự tiến bộ của tất cả các mục tiêu còn lại.

Đơn cử như vấn đề an ninh lương thực. An ninh lương thực đã được gói gọn trong SDG 2 bao gồm: kết thúc nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Trên thực tế, một khi các nước đạt được an ninh lương thực, cải thiện nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng, cũng như phát triển nông nghiệp bền vững và dần cải thiện tinh thần làm việc cho mọi cá nhân, những yếu tố này cùng lúc sẽ hỗ trợ phát triển lớn mạnh hơn cho nhiều ngành nghề, từ đó tạo điều kiện phát triển tốt cho các cộng đồng nghèo, tăng cường cơ hội tham gia vào thị trường lao động của nữ giới, dẫn đến tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm và giảm xung đột. Đồng thời, có thể nói việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững 2 cũng phụ thuộc phần lớn vào những thành tựu trong khâu quản lý hệ thống nước sạch và đảm bảo vệ sinh, năng lượng với giá cả phải chăng, cũng như sự hỗ trợ từ chuỗi các hành động đối phó với biến đổi khí hậu.

Xét về từng quốc gia, mối quan hệ chặt chẽ giữa an ninh lương thực và các mục tiêu phát triển bền vững khác thể hiện rất rõ ở Lào. Cụ thể, theo đánh giá của chính phủ nước này, trong năm 2016/2017, ước tính có khoảng 33% trẻ em dưới 5 tuổi ở Lào bị còi cọc do thiếu dinh dưỡng. Tỷ lệ thấp còi khác biệt rõ ràng ở khu vực nông thôn và thành thị, với tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em ở nông thôn cao gấp đôi. Ngoài ra, số liệu biểu thị tình trạng còi cọc của trẻ em trong nhóm các dân tộc vùng cao cũng cao gấp đôi so với trẻ em ở vùng đồng bằng. Tỷ lệ thấp còi ở trẻ em sinh ra trong các hộ nghèo cao gấp 3 lần so với các gia đình có điều kiện và tỷ lệ trẻ em sống trong gia đình thiếu hiểu biết bị còi cọc cũng cao hơn so với trẻ em có mẹ ít nhất đã hoàn thành bậc trung học cơ sở... Tất cả những dữ kiện này là minh chứng rõ ràng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ và tác động trực tiếp lên nhau giữa SDG 2 và các SDG khác về nghèo đói, giáo dục, bất bình đẳng thu nhập, giới tính, cơ sở hạ tầng...

Chặng đường dài cho kế hoạch phát triển

Trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến nghèo đói, các nước ASEAN cũng cần lồng ghép hành động, theo dõi sự biến đổi của của khí hậu. Cụ thể, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, tỷ lệ người dân không đảm bảo an ninh lương thực đang gia tăng nghiêm trọng trong khu vực, từ 7,2% (tương ứng với 46 triệu người) lên thành 10,1% (65,8 triệu người) trong giai đoạn từ 2014 -2017. Kết quả này được kết luận sau khi các chuyên gia quan sát và theo dõi sự thay đổi trong 3 năm liên tiếp, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều thay đổi trong nguồn cung và giá cả thực phẩm.

Nhìn chung, ở những cấp độ phát triển khác nhau, các nước ASEAN không những phải xem xét thách thức cụ thể mà mỗi quốc gia đang đối mặt, mà các nước cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để đạt được tốc độ phát triển ổn định nhất. Cũng giống như cách tất cả các SDG được kết nối với nhau, thành công của ASEAN trong việc đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững cũng phụ thuộc vào cách các nước thành viên hoạt động cùng nhau để hướng đến đạt được các mục tiêu chung.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)