Ông Hoàng Văn Lộc

-Từ bài học sau sự cố tại Lào, ông có thể đánh giá chất lượng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh hiện nay?

- Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định các công trình thủy điện đang vận hành cũng như đang thi công đảm bảo chất lượng, an toàn trong mùa mưa lũ. Chúng tôi nói điều này trên cơ sở đã tiến hành kiểm tra đồng loạt các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn.

Tuy vậy, sau sự cố hồ thủy điện tại Lào, đoàn kiểm tra liên ngành còn kiểm tra đột xuất tại các hạng mục, nhất là thân đập và các cửa cống điều tiết, xả lũ, các hạng mục trọng yếu. Qua kiểm tra, các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế giám sát, nhà thầu xây dựng đã thực hiện theo các chỉ dẫn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về xây dựng, quản lý chất lượng công trình thông qua việc kiểm soát chất lượng vật liệu, thiết bị trước khi đưa vào xây dựng, đến quá trình thi công và nghiệm thu...

- Điều đó có đồng nghĩa với việc sẽ không để xảy sự cố đáng tiếc như vỡ đập?

 Chúng tôi luôn kiểm tra và sử dụng các phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo an toàn trong tất cả các khâu. Như đã nêu, đến thời điểm hiện các công trình thủy điện đều bảo đảm an toàn.

- Thế nhưng, thời tiết năm nay được dự báo sẽ có những bất thường, ngành đã có những phương án gì để ứng phó, thưa ông? 

Tỉnh đã chuẩn bị khá nhiều phương án nhằm ứng phó tốt nhất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, như lập DA vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều phương án khác. Hy vọng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác, ứng phó mùa bão, lũ năm nay.

- Nghĩa là sẽ chủ động hơn, đúng không, thưa ông?

Đúng vậy! Trong phương án PCBL năm nay, các chủ công trình thủy điện đã nhận định một số sự cố có thể xảy ra; đồng thời chuẩn bị các phương án, chủ động, sẵn sàng triển khai xử lý, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản vùng hạ du và an toàn công trình hồ đập... Các chủ công trình thủy điện cũng diễn tập phương án ứng phó với các sự cố ngập lũ hạ du, vỡ đập và một số sự cố khác. Thế nên, tôi cho rằng, họ hoàn toàn có thể chủ động ứng phó và có giải pháp tốt nhất đối với các sự cố (nếu có).

Thủy điện Bình Điền đang vận hành an toàn, hiệu quả

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Các nhà máy thủy điện cùng với các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thực hiện ký cam kết an toàn đập, báo cáo hiện trạng, kiểm định an toàn đập, kiểm tra, duy tu đập và thiết bị vận hành theo quy định, phương án ứng phó ngập lũ vùng hạ du do xả lũ hoặc sự cố đập, phương án bảo vệ đập. Năm 2018 là năm đầu tiên mà các nhà máy thủy điện trang bị đầy đủ, chu đáo nhất về hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo phục vụ PCLB, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Các phương án bố trí máy phát điện diesel dự phòng phục vụ công tác quản lý vận hành và PCLB công trình, thực hiện vận hành thử các cửa van bằng nguồn điện lưới và nguồn diesel dự phòng, vận hành còi hú cảnh báo xả lũ tại đập... cũng là lần đầu các hồ thủy điện triển khai, ứng dụng trong mùa lũ năm nay.

- Theo ông, việc chấp hành điều tiết, xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa của các công trình thủy điện có đảm bảo?

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các nhà máy thủy điện: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền... tuân thủ nghiêm theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Triều (thực hiện)