Singapore - quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Getty Image

Báo cáo phân tích tổng quan đổi mới năng lượng trong thập kỷ tới và xác định các đột phá có thể đạt được trong các lĩnh vực như sản xuất năng lượng, lưu trữ, phân phối và tiêu thụ. Đồng thời, báo cáo cũng xem xét đến cách thức các đột phá trong đổi mới sáng tạo có thể diễn ra ở cấp cơ sở và mô tả cách các hệ thống tái tạo quy mô nhỏ đang gia tăng.

Đông Nam Á đứng thứ ba trên toàn cầu về mặt đổi mới sáng tạo, trong đó Singapore dẫn đầu khu vực với điểm số cao trong hầu hết các chỉ số. Trên toàn cầu, quốc gia này đã tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng so với một năm trước đó.

Hàn Quốc cũng nằm trong số các quốc gia có thu nhập cao đã gia tăng đầu tư vào đổi mới sáng tạo và đứng thứ 2 ở châu Á. Đất nước này không chỉ tăng đầu tư mà còn “cải thiện hiệu quả về chất lượng các ấn phẩm khoa học và chất lượng các trường đại học trong nước”. Tiếp theo là Nhật Bản với vị trí thứ 3 ở châu Á.

Trung Quốc xếp thứ tư trong khu vực. Quốc gia này đang đi trên một quỹ đạo đổi mới năng động. Năng lực đổi mới sáng tạo của Trung Quốc được thể hiện rõ ở các công ty R & D toàn cầu, nhập khẩu công nghệ cao, chất lượng các ấn phẩm và tỷ lệ đăng ký đại học.

Tiếp đến là Malaysia xếp ở vị trí thứ năm ở châu Á-Thái Bình Dương. Năm nay, Malaysia có những bước tiến trong bảng xếp hạng với thế mạnh trong giáo dục đại học, phổ biến kiến ​​thức, hàng hóa và dịch vụ sáng tạo.

Vị trí thứ 6 trong báng xếp hạng thuộc về Thái Lan với những bước tiến vượt trội trong đổi mới sáng liên quan đến sự phát triển của nước này. Tiếp theo là Việt Nam và Mông Cổ xếp ở vị trí thứ 7 và thứ 8 tương ứng trong khu vực châu Á - TBD.

Ấn Độ xếp thứ 9 và cũng được xem có nhiều tiến bộ gắn liền với sự phát triển của nó. Theo báo cáo, Ấn Độ là một trong những quốc gia có sự thay đổi đáng kể trong tổng quan đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, mặc dù là nước có thu nhập cao nhưng điểm số sáng tạo của Brunei lại thấp khi chỉ xếp hạng thứ 10 ở châu Á. Tiếp theo là Philippines và Indonesia. Ở những vị trí cuối trong bảng xếp hạng, Sri Lanka, Nepal, Pakistan và Bangladesh được xem là những nước kém sáng tạo nhất ở châu Á.

Theo báo cáo, đổi mới sáng tạo ở châu Á có thể phát triển nếu kiềm chế được sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, nhất là các chính sách bảo hộ tác động đến các lĩnh vực công nghệ, IP, và các luồng tri thức. Các động lực đó có thể tạo nền tảng cho các cơ hội hợp tác, tạo ra kiến ​​thức mới và đổi mới sáng tạo.

BẢO NGHI (Lược dịch từ ANN)