Đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam “ngốn” gần 120.000 tỷ đồng cơ bản được thông xe toàn tuyến vào năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trên cơ sở kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước đối với 3 dự án thành phần (đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và đoạn Dầu Giây-Phân Thiết). Hiện, Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và đang xem xét quyết định mức vốn Nhà nước cho 3 dự án này.
Đối với 5 dự án còn lại (đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo-Phan Thiết), Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn Nhà nước cho 5 dự án còn lại.
Ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (dự kiến trong tháng Chín này), Bộ Giao thông Vận tải sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, tổ chức khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần. Dự kiến, giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự toán triển khai trong khoảng 11 tháng từ tháng 10/2018-8/2019; giai đoạn sơ tuyển nhà đầu tư triển khai trong khoảng 4 tháng (từ tháng 10/2018-1/2019) và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai trong khoảng 7 tháng (từ tháng 9/2019-3/2020).
Về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (do địa phương tổ chức thực hiện), Bộ Giao thông Vận tải đưa ra lộ trình sẽ hoàn thiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khoảng tháng 10/2020.
“Thời gian dự kiến khởi công các dự án thành phần theo hình thức PPP khoảng cuối tháng 3/2020 và công tác thi công các dự án trong khoảng 2 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2021,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Đối với 3 dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện bằng hình thức đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Cam Lộ-La Sơn, hiện đang triển khai các thủ tục bước thiết kế kỹ thuật theo quy định.
Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu đến nay đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến công tác thi công các dự án thành phần đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và đoạn Cam Lộ-La Sơn bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019, thi công trong khoảng 2 năm (cơ bản hoàn thành năm 2021). Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai thi công từ tháng 10/2019 (đối với gói cầu, đường dẫn) và tháng 1/2020 (đối với cầu chính), thời gian thi công cầu chính khoảng 3,5 năm (hoàn thành năm 2023).
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2017, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2017-2020 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa)-Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2
Giai đoạn 2021-2025 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn-Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; giai đoạn sau 2025 đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ-thành phố Cà Mau.
Đề cập đến phương án đầu tư, giai đoạn 2017-2020 đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), gồm 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa)-Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng bao gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng; 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP; 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.
Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km) và mức giá cụ thể cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án làm cơ sở tính toán phần vốn góp của Nhà nước và xác định giá gói thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo vietnamplus.vn