Đến hết năm 2018, dự kiến khu vực Đông Nam Á sẽ tiêu thụ 548 tỷ điếu thuốc lá. Ảnh: News Straitstimes 

Trước tình hình này, các nước ASEAN cần tăng cường đầu tư và đẩy mạnh thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của khói thuốc đến sức khỏe, xã hội, kinh tế và môi trường, từ đó bảo đảm sự sống cho hàng triệu người và đạt được muc tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Giám đốc điều hành Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), Tiến sĩ Ulysses Dorotheo cho biết: “Hội nghị lần thứ 12 Châu Á – Thái Bình Dương về thuốc lá hoặc sức khỏe là cơ hội để nhấn mạnh nhiệm vụ của chính phủ các nước là bảo vệ con người và hành tinh bằng cách thực hiện tốt công ước FCTC”.

Với sự tham gia của hơn 600 đại biểu, chủ đề của hội nghị lần này là “Kiểm soát thuốc lá để phát triển bền vững: đảm bảo một thế hệ khỏe mạnh”. Được biết, trong số các nước ASEAN, Indonesia là quốc gia có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, vào khoảng 66%, trong khi thấp nhất là Singapore (21,1%).

Đến hết năm 2018, dự kiến khu vực Đông Nam Á sẽ tiêu thụ 548 tỷ điếu thuốc lá, tập trung chủ yếu ở các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Cũng theo Tiến sĩ Ulysses Dorotheo, thuốc lá ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều mục tiêu trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, việc kiểm soát thuốc lá là nhiệm vụ tối quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững. Thực hiện công ước FCTC hiện đang được xem là mục tiêu chính để nhận ra ảnh hưởng của thuốc lá đối với mục tiêu sức khỏe. Có thể nói mục tiêu SDG sẽ không thể đạt được thành công nếu không có sự kiểm soát thuốc lá chặt chẽ.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước loại bỏ ngành công nghiệp thuốc lá và thiết lập hàng rào bảo vệ, hỗ trợ ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp độc hại này, cũng như thực hiện các biện pháp minh bạch để nâng cao hiệu quả của các chính sách sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Ulysses Dorotheo nói.

Theo đó, các biện pháp có hiệu quả và ít tốn kém bao gồm: tăng thuế thuốc lá, đẩy mạnh quản lý ngành công nghiệp thuốc lá, cấm toàn bộ các hoạt động quảng cáo thuốc lá, đẩy mạnh thực hiện chính sách 100% không khói thuốc và không tồn tại bất kỳ cơ sở nào sản xuất thuốc lá....

Một khi các nước không tuân thủ công ước FCTC, nhiều khả năng mỗi năm sẽ có hơn 500.000 người trong khu vực Đông Nam Á và hơn 7 triệu người trên thế giới tử vong vì thuốc lá và ảnh hưởng của thuốc lá.

Đan Lê (Lược dịch từ News Straitstimes)