Về công việc, một người báo tin vừa được bổ nhiệm quản lý nhân sự tại một đơn vị. Được thăng chức, cứ ngỡ phải ăn mừng, nhưng anh bạn phàn nàn, rằng làm công việc quản lý nhân sự nghe thì oai nhưng phiền hà không kém. “Quy định 7h30 vào việc nhưng ngày nào cũng có người trễ, khi thì con ốm, khi thì xe hư, khi thì kẹt đường. Trưa chưa đến giờ nghỉ lại có người năn nỉ, xin xỏ được về sớm tranh thủ đón con, tranh thủ đi chợ, thăm người thân ốm… Làm đúng quy định thì bị cho là cứng nhắc, ra oai mà nới cho anh em thì bị cấp trên phê bình, đánh giá”, anh bạn trải lòng. 

- Sao ông không tham mưu đơn vị gắn thẻ quẹt vân tay, có máy móc lo, vừa chính xác, vừa khỏi động chạm - Một người hiến kế.

Thế là câu chuyện sa vào thông tin mới: Quản lý giờ giấc nhân viên bằng máy chấm công vân tay.

- Chỉ cần vài triệu đồng là mua được một máy, đặt ở văn phòng. Đúng giờ làm, đúng giờ về, nhân viên chỉ việc quẹt vân tay vào máy, mỗi ngày bốn lượt. Thông tin được kết nối bằng phần mềm chấm công. Người quản lý chỉ việc lấy thông số từ máy, là biết ngay trong ngày ai đi trễ, ai về sớm. Cứ thế mà trừ lương, cắt thưởng, đánh giá năng lực… - Một người rành rọt  khi cơ quan đã áp dụng phương pháp quản lý mới.

- Chắc có máy rồi, công việc hiệu quả lắm?-Mọi người tò mò.

- Hiệu quả đâu chưa thấy, mà chỉ thấy phiền hà - Bạn trả lời như dội nước lạnh, rồi lý giải: Thật ra, cái máy ấy cũng chỉ là hình thức, theo kiểu điểm danh giờ đến, giờ đi. Quẹt xong, nhân viên có việc, muốn ra ngoài máy cũng không biết. “Có khi bận việc đột xuất, đã ra ngoài, đúng giờ là phải chạy về cơ quan quẹt vân tay”, bạn ví dụ, về cái sự phiền hà, hình thức của máy.

Sau lần “bù khú” ấy, người viết tham khảo ý kiến một số người về hiệu qủa quản lý giờ giấc công sở bằng quẹt vân tay. Nhiều người nói: Về lợi ích, hệ thống chấm công bằng vân tay nhằm tạo thói quen, ý thức đi làm đúng giờ quy định của nhân viên; tránh tình trạng đi trễ, về sớm; giúp thuận lợi trong kiểm tra, giám sát; giúp giảm thiểu chi phí quản lý…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc chấm công, dù bằng máy quẹt vân tay, ghi nhật ký hay lắp camera  cũng dễ sa vào hình thức, đối phó nếu nhân lực, công việc không được bố trí phù hợp.

Một người từng tham gia làm việc cho các dự án nước ngoài cho hay, hàng ngày, đúng giờ làm, mỗi người được giao cho những công việc cụ thể, và quy định rõ thời gian phải hoàn thành. “Công việc đã được lượng hóa chặt chẽ nên có cho ra ngoài, đi chơi cũng không đi được vì công việc phải hoàn thành. Nếu chậm trễ sẽ bị cắt lương, cắt hợp đồng”, người này lý giải.

Quản lý giờ giấc công chức, lao động bằng các biện pháp, quy định hành chính là cần thiết. Tuy nhiên, có lẽ, không có công cụ quản lý nào hiệu qủa hơn việc quản lý con người trên số lượng và hiệu quả công việc. Điều đó phụ thuộc vào việc phân công, bố trí, đánh giá... con người, công việc một cách hợp lý, khoa học tùy thuộc vào từng vị trí việc làm cụ thể, kèm theo đó là chế độ lương bổng tương xứng.

Nhật Nguyên