Đạt được bình đẳng giới là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ đến năm 2030. Ảnh: Reuters

Theo đó, Equal Measures 2030, đơn vị giám sát chỉ số bình đẳng giới cho hay, dữ liệu này giúp thúc đẩy các Chính phủ đánh giá, cũng như nêu bật các vấn đề tiềm ẩn, thay đổi luật, chính sách và quyết định ngân sách.

Giám đốc Equal Measures, bà Alison Holder nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Dữ liệu sẽ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách, đồng thời tập trung nỗ lực của họ vào những vấn đề đúng đắn”.

Tuy nhiên, theo bà Alison Holder, cuộc khảo sát của hơn 600 chuyên gia đến từ 50 quốc gia cho thấy, đa số tin rằng các Chính phủ không ưu tiên thu thập dữ liệu về những vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em gái và phụ nữ.

Được biết, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí vào năm 2015 về 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), nhằm giúp mọi người sống khỏe mạnh, thịnh vượng hơn trên một hành tinh sạch hơn.

Chỉ số giới tính SDGs nhằm mục đích xem xét liệu thế giới đang trên đà đáp ứng những cam kết để đạt được bình đẳng giới hay không, bao gồm dữ liệu về nghèo đói, y tế, giáo dục, việc làm, bạo lực, thuế và biến đổi khí hậu.

Cũng theo bà Alison Holder, kết quả của các quốc gia đầu tiên được khảo sát là Colombia, El Salvador, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, và Senegal cho thấy một bức tranh hỗn hợp. “Mỗi quốc gia đối mặt với những thách thức về bình đẳng giới lớn. Đây là lý do tại sao chúng tôi cần một chỉ số mới để đo lường và theo dõi hiệu suất”, bà Alison Holder nói thêm.

Cụ thể, Senegal đạt điểm cao về đại diện chính trị trong cuộc khảo sát, với 42% số ghế Nghị viện do nữ giới nắm giữ, so với 12% ở Ấn Độ. Tuy nhiên, khoảng 1/2 số nữ giới ở Senegal tin rằng, người chồng thậm chí còn được biện minh cho hành vi đánh vợ trong một số trường hợp, so với 3% ở Colombia.

Đáng chú ý, đây là 6 quốc gia đại diện cho hơn 1/5 số trẻ em gái và phụ nữ trên toàn thế giới, sẽ là nhà của gần 1 tỷ trẻ em gái và phụ nữ đến năm 2030.

Chỉ số bình đẳng giới được được đưa ra trong bối cảnh có những cảnh báo rộng hơn rằng, khoảng trống trong việc thu thập dữ liệu sẽ gây khó khăn cho việc đo lường tiến độ đạt được SDGs trước thời hạn vào năm 2030.

Trong một động thái liên quan, Liên Hiệp quốc (LHQ) sẽ tổ chức một hội nghị lớn ở Dubai vào tháng 10 tới, nhằm bàn thảo về các ý tưởng cải thiện việc thu thập dữ liệu trong những lĩnh vực như y tế, di cư, nghèo đói và môi trường.

“Chúng ta có thể bỏ lỡ việc đạt được các mục tiêu SDGs bởi những khoảng trống dữ liệu; chính vì vậy, cần theo dõi tốt hơn để xem những tiến bộ nào đang được thực hiện”, bà Ruth Fuller thuộc nhóm bảo trợ các tổ chức phát triển quốc tế Bond nhấn mạnh.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters)