Bìa sách “Chạm tay hóa vàng”

Trước hết, xin nói chuyện “ngoài lề” một chút. Một bạn văn thấy tôi đọc cuốn sách dạy cách làm giàu (cuốn sách có tiêu đề phụ là “Tại sao một số doanh nhân trở nên giàu có - còn những người khác thì không?) của 2 tác giả - 2 doanh nhân Mỹ nổi tiếng, trong đó có một người là đương kim Tổng thống Mỹ - tỏ ra rất ngạc nhiên. Quả là việc tôi “chạm” tới cuốn sách này cũng là điều bất ngờ. Duyên do là trong dịp vô Đà Nẵng dự lễ khai trương Chi nhánh Nhà xuất bản Trẻ tại đây, mỗi khách mời được tặng một phiếu mua sách và phải mua tại Cửa hàng sách NXB Trẻ vừa khai trương. Thế là trong khoảng thời gian có hạn và số đầu sách để chọn lựa cũng có hạn, cái bìa sách khá ấn tượng với tên một tác giả là vị Tổng thống tỷ phú Mỹ liên tục làm cả thế giới ngạc nhiên vì những phát biểu và quyết định “bất nhất”, xoay trở như chong chóng đã khiến tôi “chạm tay” vào …

Cuốn sách có tiêu đề phụ tiếng Anh là MIDAS TOUCH, trong đó Midas là vị vua trong thần thoại Hy Lạp, có khả năng biến mọi thứ ông chạm vào thành vàng! Hai tác giả cuốn sách thì “phân tích” vai trò của “mỗi ngón” để “chạm tay hóa vàng” qua 5 chương sách: 1- Ngón cái – Sức mạnh tính cách; 2- Ngón trỏ – Tập trung; 3- Ngón giữa – Thương hiệu; 4- Ngón đeo nhẫn – Các mối quan hệ; 5- Ngón út – Những điều nhỏ nhưng quan trọng. Trong “Lời giới thiệu”, hai tác giả viết: “Năm ngón tay tượng trưng cho 5 nhân tố chính mà mỗi doanh nhân có mơ ước thành công đều cần phải nắm vững. Những nhân tố này không được dạy trong trường học… Bàn tay Midas là một ẩn dụ lý tưởng để thể hiện những đức tính quan trọng đối với thành công của một doanh nhân…”

Chỉ riêng “Ngón giữa- Thương hiệu” đã có bao điều đáng suy ngẫm. Xin dẫn một ví dụ nhỏ: Một ngày, thấy Robert Kiyosaki đeo chiếc đồng hồ Rolex vừa mua ở Hồng Kông về, người cha giàu hỏi: “Nó có phải là Rolex thật không?” – “Dạ vâng.” Nhưng rồi bị người cha cật vấn, chàng phải thú nhận là mua Rolex giả vì giá chỉ 5 đôla! Mặc Robert cố bào chữa, người cha vẫn phê phán gay gắt, “Con biết sự khác biệt của chúng... Nó là một cái đồng hồ giả, rẻ tiền, một vật ăn cắp. Nếu con sẵn sàng mua một thứ bị đánh cắp, điều đó sẽ nói gì về con?... Nếu con muốn trở thành một doanh nhân thành công, tốt hơn con nên biết tôn trọng một thương hiệu…”.

Rút cục, khi người cha xòe bàn tay ra về phía người con và Robert cởi chiếc đồng hồ đặt vào đó thì ông bỏ “chiếc đồng hồ lên sàn nhà và giẫm chân nghiền nát nó...”.

Đây là chuyện nhiều năm trước. Từ đó, Robert đã trở thành một doanh nhân, một nhà giáo dục và một nhà đầu tư, nổi tiếng với bộ sách “Dạy con làm giàu”… Sau câu chuyện về chiếc đồng hồ giả bị giẫm nát, ông viết: “…Một thương hiệu là vô giá. Một thương hiệu là lời hứa của doanh nhân với khách hàng. Một thương hiệu thực sự bắt nguồn từ tâm hồn của doanh nhân và kết nối với tâm hồn của khách hàng. Đó là một mối quan hệ chứ không phải một giao dịch…”. Chính vì thế, khi đã nổi tiếng, có công ty đề nghị ông chứng thực cho một sản phẩm của họ và họ sẽ trả ông 4 triệu đôla trong 4 năm, nhưng ông đã từ chối vì như thế là “phản bội độc giả, một kẻ hai mặt, một người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có một triệu đôla một năm, thậm chí  cả việc bán rẻ công ty của anh ta và bán rẻ linh hồn anh ta…”.

Cũng như Robert, khi bàn về “thương hiệu”, Donald J.Trump nhắc đến những bài học mà ông thu nhận từ buổi đầu cùng làm việc với người cha có danh tiếng rất vững chắc, nhờ “sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết và sự toàn diện ở mọi cấp độ” nhằm tạo nên những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời. Ông viết: “Thương hiệu tượng trưng cho danh tiếng… Thương hiệu Trump tượng trưng cho tiêu chuẩn vàng trên toàn thế giới và đó là một lời hứa rằng chúng tôi sẽ nỗ lực để giữ đúng điều đó, cũng giống như cha tôi đã làm…”.

Để có một vị trí hoàn hảo xây dựng sân golf ở Scotland, Trump đã tham quan 200 địa điểm ở châu Âu trong 5 năm. Đặc biệt hơn là việc phải bảo đảm môi trường với yêu cầu rất cao của đất nước này với vô số điều khoản in đầy 2 cuốn sách dày đến 12cm! Chỉ nghe con số đã giật mình! Vậy mà Trump bỏ ra 3 năm để thương lượng, nghiên cứu đến mức “gần như trở thành một chuyên gia địa mạo học (nghiên cứu các chuyển động địa  mạo), do những đụn cát mênh mông trên bất động sản trước đại dương này…

Một nhà văn người Scotland đã viết một cuốn sách về quá trình mà tôi đã trải qua – “Theo đuổi thiên đường” của David Ewen với phụ đề “Donald Trump và trận chiến vì sân golf tuyệt vời nhất thế giới”. Để có được điều này, Trump phải bỏ ra gần một tỷ bảng Anh không chỉ phải “thuê những nhà địa mạo học để nghiên cứu các đụn cát, mà còn tiến hành những bước cải tiến quan trọng trong kế hoạch để bảo môi trường sinh thái địa phương: xây dựng ba cái hang rái cá nhân tạo… tạo môi trường sống mới cho chim thú, xây dựng các tổ chim, tổ dơi, tạo những khu vực di dời cây cỏ và động vật, thu thập hạt giống để bảo trì những môi trường cát vôi trẻ.

Doanh nhân có thể gọi là “khổng lồ” này gắn với nhiều công trình thuộc loại khổng lồ, còn bởi vì ông “chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết” với “một tuyên bố sứ mệnh khá ngắn gọn: “Tốt nhất trong tất cả”... và nó phải được áp dụng hàng ngày”.

Có lẽ chỉ nên trích dẫn theo cách “ví dụ” này thôi; để các bạn còn tìm sách đọc.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Nhân đọc “Chạm tay hóa vàng” của Donald J.Trump và Robert T.Kiyosaki – NXB Trẻ, 2018)