Tham gia triển lãm cổ vật trong các kỳ festival là thú vui của những người chơi đồ xưa ở Huế

Ngày trước, các vua triều Nguyễn thường ký kiểu những món đồ sứ từ các lò sứ ngự dụng và quan dụng của Thanh triều ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc), để trưng bày trong những cung điện, lăng tẩm, đền miếu, cũng như để đáp ứng nhu cầu sử dụng thường ngày của nhà vua, hoàng gia và đình thần. Triều đình còn thông qua các sứ bộ đi sứ sang Trung Hoa đặt mua đồ pháp lam, tranh gương, đồ đồng, những vật phẩm xa xỉ khác… từ Trung Quốc, Triều Tiên và các nước Tây dương, đưa về bày biện trong hoàng cung, vừa để trang trí, vừa để thưởng ngoạn. Thú chơi đồ xưa ở Huế hình thành từ đó.

Từ trong hoàng cung, thú vui sưu tầm và thưởng ngoạn những món mỹ nghệ trân phẩm của các vị vua đã “theo chân” các hoàng thân, đình thần… lan tỏa ra ngoài. Trong các phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa hay trong các dinh thự của các vị quan đầu triều dần xuất hiện những món đồ cổ. Nhiều trân phẩm trong số này là những kỷ vật do chính nhà vua ban thưởng cho các vị hoàng thân, đình thần…; hoặc do các vị này đặt mua hay ký kiểu tại Trung Hoa trong những lần phụng mệnh triều đình đi sứ sang Thanh.

Sau khi triều Nguyễn chấm dứt, những món trân phẩm mỹ nghệ này trở thành đồ xưa, đồ gia bảo, được các thế hệ con cháu gìn giữ, lưu truyền. Những người đương thời chưa may mắn sở đắc những món đồ này, thì nay cũng cố công sưu tầm và thưởng ngoạn.

Ngoài những cổ vật chính thống của triều Nguyễn được đưa vào các bảo tàng ở Huế, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội với nhiều hình thức khác nhau; được bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng này trong nhiều thời kỳ lịch sử, còn có rất nhiều cổ vật của triều Nguyễn được mua bán, trao đổi trên thị trường nên nhiều người có cơ hội mua bán, trao đổi, sưu tầm đồ xưa, tạo nên một thú chơi tao nhã ở xứ Huế.

Sưu tập đồ uống trà và hộp ăn trầu của những người chơi đồ xưa ở Huế tham gia triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nhân Festival Nghề truyền thống Huế năm 2011

Trước năm 1975, cùng với TP. Hồ Chí Minh, Huế là một trong hai trung tâm cung cấp cổ vật hàng đầu cho thú chơi đồ xưa của người dân miền Nam. Huế vừa có người chơi đồ xưa, vừa có cửa hàng bán đồ xưa, vừa có những sưu tập đồ xưa có giá trị. Đồ xưa ở Huế chủ yếu là các dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh (thế kỷ XVII - XVIII) có gốc gác từ Bắc Hà; đồ sứ ký kiểu thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và nhiều nhất là đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX). Ngoài đồ sứ ký kiểu, đồ sứ Trung Hoa, đồ sứ Nhật Bản và đồ sứ phương Tây (chủ yếu là đồ sứ Pháp) cũng hiện diện rất nhiều ở Huế và rất được người Huế chú tâm sưu tầm và thưởng ngoạn.

Dường như trong các phủ đệ ở Huế đều lưu giữ những bộ đồ trà, những tô chén dĩa sứ ký kiểu mang niên hiệu các vua triều Nguyễn. Đó vừa là kỷ vật, vừa là “của cải” mà tiền nhân để lại cho các thế hệ con cháu. Vì vậy mà các thế hệ hậu bối không chỉ thưởng ngoạn những món đồ xưa này, mà còn có trách nhiệm giữ gìn như những món gia bảo.

Sau năm 1975, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều món đồ gia bảo trong các phủ đệ, dinh thự kín cổng cao tường ở Huế đã phải rời nơi chốn cũ, đi tìm các chủ nhân mới ở khắp nước Việt, và ở cả nước ngoài. Đây là thời kỳ mà thú chơi đồ xưa ở Huế thoái trào. Huế trở thành nơi mà giới buôn bán cổ vật tìm đến để săn lùng đồ xưa, mua đi bán lại để kiếm lời.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những người Huế tâm huyết với cổ vật xứ Huế. Họ tìm cách giữ lại những trân bảo không chỉ của gia tộc, dòng họ mình, mà của cả những người Huế láng giềng lâm vào thế “sa cơ lỡ vận” buộc lòng phải bán đi. Đó là nhà sưu tầm N.X.H. với sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn đầy đặn, có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và kinh tế; là nhà sưu tầm N.V.C và con trai là N.A.H. có bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam và Trung Hoa thuộc hàng nhứt nhì nước Việt lúc bấy giờ; là nghệ nhân L.V.K với những món cành vàng lá ngọc, đồ sứ ký kiểu, đồ pháp lam…

Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, thú chơi đồ xưa ở Huế hồi sinh mạnh mẽ. Người chơi đồ xưa ở Huế bây giờ không chỉ là những bậc cao niên, minh triết trưởng thượng như trước, mà còn có rất nhiều người trẻ. Ngoài những đồ sứ ký kiểu, đồ đồng, đồ pháp lam… truyền thống của Huế xưa, giới chơi cổ vật ở Huế hiện nay còn sưu tầm: đồ gốm Việt Nam các thời Lý - Trần - Lê; đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh; đồ gốm thời tiền sử; đồ gốm vớt dưới lòng sông Hương (thuộc nhiều thời kỳ, có niên đại kéo dài hơn 1.000 năm); đồ gốm sứ phương Tây, Nhật Bản, Trung Hoa; cổ vật Champa; trang phục cung đình triều Nguyễn; các loại hoành phi, câu đối, trướng liễn bằng vải; đồ thủy tinh - pha lê, đồ ngà, đồ mộc, tiền cổ, các loại huy hiệu và huy chương, tranh tượng Phật giáo…

Ngày nay, những nhà sưu tầm cổ vật ở Huế thường tìm đến với nhau, tập hợp thành nhóm, thành câu lạc bộ để cùng nhau trao đổi cổ vật, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ với nhau niềm đam mê sưu tầm và thưởng thức đồ xưa. Họ cũng phối hợp với nhau và với các nhà sưu tầm ở nhiều địa phương trong nước, tổ chức các cuộc triển lãm cổ vật trong các dịp Festival Huế và trong các dịp lễ hội được tổ chức định kỳ ở miền đất Hương Bình, để giới thiệu với công chúng về cổ vật xứ Huế và cổ vật Việt Nam. Đó cũng là cách giới thiệu và lan tỏa một thú vui tao nhã của người Huế.

Bài, ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN