Còn tới 2 lượt đấu nữa mùa giải hạng Nhất 2018, có cả CLB Huế tham dự, mới khép màn nhưng Viettel đã bàn tới chuyện chơi ở V. League mùa sau. Đơn giản họ đang dẫn đầu, đang hơn đội xếp thứ 2 là Hà Nội B đến 5 điểm và hơn thế, đang có thực lực rất mạnh. Điều đáng nói hơn là cách nay 5 tháng, khi thứ hạng các đội dự giải bóng đá hạng Nhất 2018 còn chưa rõ ràng, trang chủ Câu lạc bộ Viettel đã phát đi thông báo: “Sau 9 năm phiên hiệu Thế Công không tồn tại trên bản đồ bóng đá nước nhà và 2 năm tích luỹ kinh nghiệm ở giải hạng Nhất Quốc gia, mùa giải 2018 là bước ngoặt để cái tên Thể Công hào hùng trở lại với sân chơi cao nhất của bóng đá quốc nội”.

Câu chuyện Viettel với khát vọng và sự phấn đấu làm sống lại cái tên Thế Công ngày nào khiến bao kẻ chạnh lòng. Cùng với Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt (ở phía Bắc), Cảng Sài Gòn, Hải Quan ( thành phố Hồ Chí Minh), hay Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế (miền Trung)…Thể Công là một thương hiệu và hơn thế là thương hiệu số 1 của bóng đá Việt Nam một thời. Không chỉ ở những danh hiệu sở hữu dày cộm mà còn ở những trận đấu có Thể Công thi đấu ắp đầy khán giả và những cái tên Thế Anh, Cao Cường… đã được in sâu trong tâm trí những ai yêu bóng đá.

Các cầu thủ Viettel (áo đỏ) chuẩn bị trở thành cầu thủ Thể Công. Ảnh: Internet

V-League ra đời, mùa giải 2000 - 2001, cũng là thời điểm cáo chung cho hàng loạt các tên tuổi lớn nhất của nền bóng đá bao cấp, thời mà đội bóng được xem là cơ quan Nhà nước và cầu thủ là cán bộ, công nhân viên đi... đá bóng. Do không theo kịp cơ chế, lãnh đạo các đội bóng không có điều kiện và cũng không còn mặn mà để tiếp tục nuôi nên lần lượt các thương hiệu bóng đá lừng danh  “kẻ trước, người sau” chia tay sân cỏ. Ví như, Cảng Sài Gòn chuyển thành Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn vật vờ trước khi xóa tên; tệ hơn, Hải Quan mất tích luôn. Ở phía Bắc, Thể Công cũng “lay lắt” thêm vài mùa nữa, trước khi chuyển giao hẳn và lùi vào dĩ vãng.

Thể Công hồi sinh gắn liền với cái tên Tập đoàn viễn thông Quân đội. Không chỉ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Cùng với PVF và Hoàng Anh Gia Lai, Viettel là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nổi bật của cả nước, thường xuyên lọt với trận chung kết các lứa tuổi U15, U17, U19 quốc gia. Bản thân các cầu thủ Viettel còn rất trẻ nhưng rất tài năng, như đội trưởng Tiến Dũng cũng mới chỉ 23 tuổi và đang là trụ cột của đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Nhiều cầu thủ trẻ khác cũng đóng vai trò quan trọng trên các lứa trẻ của đội tuyển quốc gia, như Trọng Đại, Hoàng Đức, Tiến Anh, Văn Hào...

Khi mà thương hiệu bóng đá Việt một thời sắp sửa được khôi phục, dân ghiền bóng tròn Huế lại nhớ tới tuyển Huế. Không rực rỡ như Thể Công, thương hiệu tuyển Huế đã thấm sâu vào lòng người vùng đất núi Ngự, sông Hương. Khi mà bóng đá ngành không được khuyến khích thì đó cũng là cơ hội để bóng đá các địa phương, như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An… phát triển. Thế nhưng, với bóng đá Huế vẫn là sự bẽ bàng. Mối lương duyên dè dặt thiếu mặn mà của Huda dành cho bóng đá Huế đã đi vào hồi kết khi cổ phần được bán lại cho đối tác nước ngoài. Và rồi, có vẻ như sự “kén” chọn mạnh thường quân đã khiến bóng đá Huế cô đơn và cứ mãi loay hoay ở chuyện tiền bạc.

Với tiềm năng kinh tế của Viettel, với cách làm bóng đá khoa học và tâm huyết, sự hồi sinh của cái tên Thể Công đang được chờ đợi sẽ tạo nên một không khí mới cho V. League nói riêng và bóng đá nước nói chung. Đó cũng là điều để bóng đá Huế suy ngẫm và hành động.

ĐAN DUY