Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, đánh bắt quá mức có thể gây ra những tác động bất lợi và lâu dài đối với đại dương cũng như xã hội. Một báo cáo của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) nói rằng, "được coi là nguồn tài nguyên vô tận, các đại dương của chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu khi dân số ngày càng tăng, trong khi lượng cá ngày càng ít đi".

Theo ước tính, 53% tài nguyên thủy sản biển của thế giới đã hoàn toàn cạn kiệt hoặc đã bị đánh bắt đến mức tối đa, trong khi 32% hiện cũng đang bị đánh bắt quá mức hoặc đang phục hồi từ sự cạn kiệt. FAO và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo rằng tỷ lệ khai thác hiện tại sẽ làm gia tăng áp lực đối với thủy sản trong tương lai.

Người dân phân loại cá trong một khu chợ ở Malaysia. Ảnh: AFP

Thực trạng khai thác ở Đông Nam Á

Theo Quỹ châu Á, khoảng 12% dân số thế giới dựa vào nghề cá và nuôi trồng thuỷ sản để kiếm sống, và hơn một nửa số người trên thế giới có được nguồn protein động vật đáng kể từ cá và hải sản. Ở Đông Nam Á, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn nhiều. Các vùng biển ở đây không chỉ là nguồn thực phẩm và sinh kế chính cho hàng trăm triệu người, mà còn tạo ra hàng tỷ USD trong GDP cho khu vực.

Tuy nhiên, việc đánh bắt cá quá mức đang gây ra nhiều mối lo ngại ở Đông Nam Á. Trước đó, đánh bắt quá mức chỉ dẫn đến những vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, đi sâu hơn vào vấn đề cho thấy thực trạng này có một tác động kinh tế lớn đến những người phụ thuộc vào đánh bắt cá để duy trì sinh kế.

Các “điểm nóng” đánh cá chính trong khu vực nằm trên Biển Đông. Đây là một trong năm vùng đánh cá hiệu quả nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng cá đánh bắt được trên toàn cầu trong năm 2015. Hơn 1/2 số tàu đánh cá trên thế giới hoạt động ở các vùng biển này, với khoảng 3,7 triệu lao động, trong đó có khả năng nhiều người đã tham gia vào việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), hệ sinh thái biển quan trọng này đang bị đe dọa nghiêm trọng do khai thác quá mức, liên quan đến các hoạt động đánh bắt không an toàn và trong những năm gần đây là việc thu hoạch ngao quy mô lớn và nạo vét lòng đại dương,

Nguyên nhân và tác động

Một lý do chính khiến tình trạng khai thác quá mức xảy ra ở đây là do đánh bắt trái phép, không có báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Đây là tình trạng chung trên toàn vùng, nhưng có 2 khu vực nghiêm trọng nhất. Đầu tiên là vịnh Thái Lan, nơi mà tổng lượng khai thác trên một đơn vị đã giảm mạnh đến 86% kể từ năm 1966, khiến nó trở thành vùng biển bị đánh bắt nhiều nhất trên hành tinh. Thứ hai là Indonesia, với ước tính tổn thất gần 4 tỷ USD/năm do đánh bắt trái phép.

Với sự suy giảm của quần thể cá và hải sản do đánh bắt quá mức, nhiều hậu quả kinh tế - xã hội là điều hiển nhiên. Theo một báo cáo của Đại học Cornell, “khai thác quá mức gây thiệt hại cho khoảng 100.000 việc làm và hàng tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu”.

Ở Đông Nam Á, hơn 30 triệu người trong ngành đánh cá sẽ phải đối mặt với mối đe dọa về sinh kế khi công việc bị hạn chế và thậm chí mất việc làm nếu vấn đề đánh bắt quá mức không được giải quyết. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người đánh bắt cá mà còn có tác động dây chuyền đến phần còn lại trong cộng đồng, nhất là ở những khu vực mà nghề đánh cá là nguồn thu nhập chính của người dân.

ASEAN có thể làm gì?

Do tầm quan trọng của việc đánh bắt cá trong khu vực, cả về mặt kinh tế và là nguồn thực phẩm thiết yếu, vấn nạn khai thác quá mức ở Biển Đông nên được xem là một vấn đề lớn cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt, thay vì cho rằng đó chỉ là vấn đề nhỏ phụ thuộc vào các tranh chấp chủ quyền.

Trích dẫn Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), các chuyên gia khuyên các nước trong khu vực Đông Nam Á - Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei và Indonesia - phải làm việc với các quốc gia có tranh chấp về việc quản lý nguồn cá trên biển.

Vì tất cả các cộng đồng quanh khu vực Biển Đông đều phụ thuộc nhiều vào trữ lượng cá để đảm bảo thu nhập và an ninh lương thực, do đó các chuyên gia của CSIS cho rằng, các nước này đều có "nghĩa vụ pháp lý nhất định để cùng hợp tác về quản lý thủy sản và môi trường, dựa trên nhu cầu thiết yếu".

Trong khi đó, Quỹ châu Á đã khuyến nghị ASEAN triển khai một khung pháp lý toàn diện và đồng bộ để điều chỉnh các chính sách thủy sản trong khu vực. Thẩm quyền hàng hải có thể phức tạp vì ranh giới có thể trùng lặp nhưng đây chính là lý do tại sao các kế hoạch hành động quốc gia để chống lại việc đánh bắt trái phép, không có báo cáo và không được kiểm soát cần phải hài hòa trên toàn khu vực.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post, Theguardian & Asiafoundation)