Nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số. Ảnh: AFP

Tờ The ASEAN Post ngày 20/9 trích dẫn Báo cáo “Công nghệ và tương lai việc làm ASEAN” của Tập đoàn Cisco và công ty Oxford Economics dự báo, trí tuệ nhân tạo (AI) trong phần mềm, phần cứng và robot sẽ thay đổi việc làm trong 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN 6) đến năm 2028.

Theo đó, nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, dự kiến ​có tới 6,6 triệu lao động dư thừa đến năm 2028. Nhu cầu lao động nông nghiệp có tay nghề và lao động chân tay sẽ giảm, khi những công việc này có thể được nhân rộng bằng việc sử dụng công nghệ.

Tuy nhiên, năng suất từ ​​việc áp dụng công nghệ cũng sẽ làm giảm giá thành và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó tạo ra nhu cầu mới về lao động trong các lĩnh vực khác như bán buôn, bán lẻ, sản xuất, xây dựng và vận tải.

Trong bối cảnh thị trường lao động phát triển, những kỹ năng cần thiết cũng sẽ thay đổi. Báo cáo trên cho hay, 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa thiếu các kỹ năng công nghệ thông tin theo yêu cầu của công việc mới. Gần 30% thiếu "kỹ năng tương tác" được những vị trí tuyển dụng trong tương lai yêu cầu, chẳng hạn như kỹ năng thương lượng, thuyết phục và dịch vụ khách hàng. Hơn 25% thiếu “những kỹ năng cơ bản” như học chủ động, đọc và viết.

Yêu cầu thay đổi chính sách

Qua đó, các quốc gia ASEAN 6 có thể phải thực hiện những thay đổi chính sách lớn trong hệ thống giáo dục. Các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, nhà cung cấp công nghệ và các nhóm lao động cần chung tay để trang bị cho người lao động những công cụ và kỹ năng cần thiết.

Ông Kiran Karunakaran, một đối tác tại công ty tư vấn Delta Partners nhận định, tốc độ áp dụng AI nên được quản lý thông qua sự cân bằng giữa quy định, chính sách và sự hỗ trợ. "Nếu không, toàn bộ các ngành công nghiệp có nguy cơ bị gián đoạn và tác động xã hội có thể rất lớn", ông Karunakaran lưu ý.

Cụ thể, Singapore ước tính sẽ có 500.000 việc làm được thay thế đến năm 2028 bởi việc chuyển đổi kỹ thuật số. Trong khi đó, Việt Nam và Thái Lan được dự báo ​​sẽ có lần lượt 7,5 triệu và 4,9 triệu việc làm được thay thế, tương đương lần lượt 13,8% và 11,9% lực lượng lao động ở mỗi quốc gia.

Báo cáo cũng đưa ra một kịch bản mà chỉ có 40% công việc mới được tạo ra trong lĩnh vực sản xuất vào thập kỷ tới, trong khi phần còn lại sẽ xuất hiện ở những lĩnh vực dịch vụ. Các nền kinh tế ASEAN đang phát triển sẽ phải chuyển đổi sản xuất và di chuyển sang lĩnh vực dịch vụ để theo kịp những thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu về công việc.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The ASEAN Post)