Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD. Ảnh: Getty Images

Trong báo cáo triển vọng mới nhất được công bố ngày 20/9, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức 3,7% trong cả hai năm 2018 và 2019. Đây là mức tăng trưởng gần bằng mức tăng trưởng từng được ghi nhận trước cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm.

Nhà kinh tế trưởng của OECD, bà Laurence Boone nói với hãng thông tấn CNBC rằng, nền kinh tế thế giới nói chung "đạt đỉnh", nhưng có bằng chứng về sự khác biệt ngày càng gia tăng giữa những nền kinh tế khác nhau.

Bà Boone cũng nhấn mạnh, sự bảo hộ gia tăng, tính dễ bị tổn thương của thị trường mới nổi, chính trị và tài chính là 4 rủi ro chính đằng sau việc giảm dần của tỷ lệ tăng trưởng.

Bên cạnh đó, báo cáo của OECD kêu gọi việc bình thường hóa dần dần đối với chính sách tiền tệ, đồng thời khẳng định nó phải ở mức độ khác nhau giữa các nền kinh tế khác nhau.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với tờ CNBC, bà Boone cho biết thêm, việc bình thường hóa chính sách tại Mỹ đã đẩy đồng USD tăng lên và tạo ra một sức ảnh hưởng trên các nền kinh tế thị trường mới nổi. "Điều đó rõ ràng có tác động đến cách mà các nhà đầu tư xem xét nguồn quỹ của họ", nhà kinh tế trưởng của OECD lưu ý.

Ngoài ra, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit là một yếu tố chính của sự không chắc chắn và cần một thỏa thuận được thực hiện để duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa EU và Anh, bà Laurence Boone khẳng định.

Thanh Ngân (Lược dịch từ CNBC)