Buổi sáng, đang đứng chờ nhận ổ bánh mình từ quầy của một hiệu bánh khá thương hiệu trong thành phố. Bỗng một người đàn ông dáng chừng là công chức đi vào, vẻ không được vui. Ông đưa vào cho quầy một chiếc bánh mì và điềm đạm chất vấn: Tại sao lại bán cho ông bánh nguội để từ hôm qua? Cô gái bán bánh lúng túng, không trả lời được. Vội xin cho đổi cái khác. Ông dứt khoát: “Tôi không cần ăn nữa, chỉ muốn gặp người quản lý để hỏi cho biết lý do”. Sau đó chủ hiệu xuất hiện, và tất nhiên là có xin lỗi xin phải, thanh minh thanh nga. Đến lúc ấy thì chiếc bánh của mình đã xong, tôi nhận bánh rời đi và không rõ câu chuyện kết thúc thế nào. Chiếc bánh trên tay bỗng trở nên lưng lẻo, chẳng có hứng thú để ăn chút nào...

Thật ra, giá trị của một chiếc bánh mì là không lớn. Nhưng những người khách có mặt hôm đó tại quầy bánh có lẽ không ai nghĩ phản ứng của người đàn ông nọ là quá đáng. Ông ấy là khách hàng, là “thượng đế”, và có quyền đòi hỏi quyền lợi của mình. Nó hoàn toàn chính đáng. Cô bé bán bánh lẫn người chủ của cửa hiệu có lẽ cũng bất ngờ trước phản ứng, tuy không căng thẳng nhưng dứt khoát, quyết liệt của người khách hàng. Có lẽ, họ nghĩ hàng ngày họ mua bán tiền muôn bạc vạn, những món hàng lớn mới sợ bị trả tới trả lui, những khách hàng “sộp” mới cần phải chăm chút. Còn có chiếc bánh mì, có làm sao đi nữa thì người ta cũng bỏ qua, ai hơi sức đâu tủn mủn mà chạy lại chạy đi. Nhưng nay thì hẳn họ hiểu ra là họ đã nhầm!

Chiếc bánh mì giá trị không lớn, nhưng phản ứng của vị khách hàng hôm ấy chắc chắn khiến những người có mặt, như tôi chẳng hạn, phải chột dạ, dè chừng với những sản phẩm của cửa hiệu. Bản thân vị khách hàng này, kể cả không ít bạn bè, người thân của ông ấy sẽ quay lưng với cửa hiệu cũng là điều có thể đoán trước. Và như vậy là thương hiệu mà cửa hiệu kia dày công xây dựng lâu nay, sẽ vì một “sự cố” nhỏ mà tổn hại không nhỏ. Âu đây cũng là một bài học để những ai hành nghề kinh doanh luôn phải biết tôn trọng quyền năng của người tiêu dùng.

Hàn Yên