Giờ nghỉ giải lao trên thao trường huấn luyện của chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh

Theo Thượng tá Phạm Văn Hùng, Chính ủy Trung đoàn 6, ngay từ khi tiếp nhận chiến sĩ mới, cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng việc nắm nguồn, lý lịch gia đình của từng chiến sĩ. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, ưu tiên bồi dưỡng cả về kiến thức văn hóa, lý luận chính trị và tạo điều kiện để chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu. Đảng ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp giao nhiệm vụ cho các đồng chí chi ủy viên, đảng viên theo dõi, giúp đỡ các đồng chí đoàn viên ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng.

Trung sĩ Hồ Nghĩa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 7, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, người dân tộc Pa Cô, quê ở huyện Nam Đông, người vừa mới được chi bộ xem xét kết nạp đảng trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2/2018. Hơn một năm trước, Nghĩa rất lo lắng vì sợ mình không theo kịp đồng đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, sự giúp đỡ tận tình của đồng chí, đồng đội cùng tinh thần cầu thị, ham học hỏi, Nghĩa đã nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phần thưởng cho sự nỗ lực đó là sau một năm nhập ngũ, Nghĩa vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học tập để có hiểu biết sâu hơn, phát huy trách nhiệm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao” - Nghĩa chia sẻ.

Trung sĩ Hồ Nghĩa chỉ là một trong số rất nhiều chiến sĩ là người dân tộc thiểu số được quan tâm, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên ở Trung đoàn 6. Trung bình mỗi năm, Trung đoàn 6 bồi dưỡng, kết nạp được từ 10 - 12 đảng viên, trong đó có 5-6 đảng viên là con em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù.

Trong lần đến công tác tại xã Phú Vinh, huyện A Lưới, chúng tôi cũng được nghe nhiều người dân kể về việc thanh niên của xã được bồi dưỡng và kết nạp đảng trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, hầu hết các đảng viên đều được phân công công tác tại các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, hoặc làm cán bộ ở các thôn, bản. Đây cũng là động lực cho nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ.

Được kết nạp đảng trong thời gian quân ngũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 6 trở về địa phương, anh Phan Hùng Lương được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phú Vinh. Được bố trí công việc phù hợp, anh gương mẫu, năng động trong công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự trưởng thành của Phan Hùng Lương trở thành niềm tự hào của bà con dân bản, là tấm gương cho nhiều thanh niên của địa phương noi theo. Ở xã Phú Vinh còn có khá nhiều người được kết nạp đảng trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, một số người được bầu làm bí thư chi bộ hoặc tham gia lực lượng quân sự, an ninh ở địa phương.

Để có đội ngũ đảng viên tạo nguồn cho cán bộ cơ sở, hàng năm, Trung đoàn 6 đều phối hợp với cấp ủy địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, ưu tiên kết nạp đảng, tạo nguồn cán bộ là quân nhân xuất ngũ. Thực tế cho thấy, những cán bộ thôn, xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã qua quân ngũ đều khá vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ. Đây không chỉ là điều kiện để tăng cường sức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, mà còn tạo dựng hạt nhân đoàn kết trong đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: LÊ XUÂN LIỆU