Trao đổi hợp tác giữa các doanh nghiệp Huế và nhóm G7 đến từ TP. Hồ Chí Minh trong giữa tháng 9/2018

Bổ trợ

Tính đến năm 2018 đã là năm thứ 11 mà liên kết “Ba địa phương - Một điểm đến”, gồm Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được hình thành. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Du lịch, liên kết đã mang lại nhiều lợi ích, trước tiên là tăng thêm nguồn lực, cả ba địa phương có thể quảng bá hình ảnh du lịch chung đến các thị trường du lịch mới, quy mô lớn hơn. Đặc biệt, đã xây dựng những tour tuyến chung, điều này làm tăng sức hút cho cả khu vực.

Theo các chuyên gia du lịch, trong xu hướng mới, nhu cầu của du khách ngày càng đa dạng, nếu mỗi một địa phương tự tách riêng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của chính mình. Do đó, các địa phương phải hợp tác, bổ trợ cho nhau bằng các sản phẩm có lợi thế.

Đoàn famtrip ngành du lịch Huế khảo sát vịnh Hạ Long

Mới đây, ngành du lịch tổ chức đoàn famtrip đến các tỉnh Đông Bắc bộ, mục đích là xây dựng mối liên kết giữa các địa phương. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, để khai thác dòng khách nội địa ở Đông Bắc bộ, ngành du lịch Huế phải tăng tính liên kết vùng, nhất là với Đà Nẵng để cùng nhau khai thác. Mỗi địa phương có mỗi thế mạnh riêng, Huế mạnh về văn hóa, di sản; Đà Nẵng lại mạnh về nghỉ dưỡng biển; trong khi đó, qua tìm hiểu về nhu cầu, khách Đông Bắc bộ lại chuộng cả hai. Hình thành tour bổ trợ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

Huế - Quảng Trị - Quảng Bình là liên kết vùng mới, được ký kết trong năm 2017; tuy nhiên, đánh giá từ phía ngành du lịch, có thể mới hợp tác nên hiệu quả, nhất là tour tuyến chung, mang tính liên vùng ba địa phương vẫn chưa được các doanh nghiệp khai thác tốt. Triển vọng phát triển mới liên kết vùng ba địa phương rất khả thi, nhất là giữa Huế và Quảng Bình tour khám phá di sản văn hóa và thiên nhiên hứa hẹn hấp dẫn; đồng thời, sự kết hợp với du lịch về nguồn, thăm các di tích lịch sử ở Quảng Trị cũng là sự bổ trợ cho sản phẩm di sản.

Ngoài những địa phương lân cận, liên kết được mở rộng phạm vi địa lý, đó là liên kết miền Tây Nam bộ, Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ. Hay cả liên kết xuyên quốc gia trên hành lang kinh tế Đông – Tây giữa ba nước Việt Nam – Lào – Thái Lan đã hình thành. Với những vùng xa, ngoài liên kết tour tuyến, liên kết để hỗ trợ quảng bá, giúp khai thác thị trường khách của nhau là lợi ích thiết thực. Ngành du lịch TP. Hải Phòng thông tin, để đa dạng và thu hút khách Huế, các doanh nghiệp mở các tour liên vùng với Ninh Bình, Hạ Long… mới có thể tăng thời gian lưu trú, nhất là phù hợp với một chuyến du lịch kéo dài 4 - 5 ngày.

Thương hiệu du lịch chung

Lãnh đạo Sở Du lịch nhấn mạnh, thời gian trung bình cho mỗi chuyến du lịch của khách là 4 - 5 ngày. Chỉ một địa phương, dù có những sản phẩm hấp dẫn đến đâu cũng khó giữ khách suốt thời gian đó. Một điều dễ xảy ra là nếu một địa phương quá ôm đồm, hình thành nhiều sản phẩm nhưng làm không đến nơi, sẽ phản tác dụng, làm mất thương hiệu của du lịch địa phương đó. Ở Huế, sự mở rộng liên kết sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian đến và tập trung một vài sản phẩm “đinh” để Huế sẽ là điểm đến nổi bật trong các liên kết vùng.

Đối với liên kết vùng, để thật sự hiệu quả chỉ khi doanh nghiệp có những hợp tác với nhau, xây dựng được tour du tuyến chung. Theo ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh, trong du lịch, liên kết giữa các doanh nghiệp mang lại hiệu quả lớn, nâng cao khả năng tiếp thị, quảng bá. Điều này, Hiệp hội Du lịch sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch để chủ động làm cầu nối, kết nối các doanh nghiệp giữa các địa phương.

Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là liên kết vùng tiêu biểu của du lịch cả nước, tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là ngoài tour “Con đường di sản miền Trung” thì lâu nay, một tour tuyến chung để làm nổi bật du lịch của ba tỉnh chưa có. Do đó, việc tạo ra những sản phẩm mà có thể định vị thương hiệu du lịch ba địa phương là điều cần làm. Liên kết Huế - Quảng Trị - Quảng Bình cũng cần sớm có tour định hình được du lịch cả khu vực. Khi đó mới kích cầu và quảng bá mới hiệu quả được.

Liên kết sẽ mang đến hiệu quả, tuy nhiên, một vấn đề lâu nay vẫn được đưa ra mổ xẻ, trong liên kết luôn có sự cạnh tranh về điểm đến và các doanh nghiệp mỗi địa phương luôn ưu tiên phần lợi cho địa phương mình. Điều này, cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các cơ quan quản lý về du lịch giữa các địa phương.

Thông tin từ ngành du lịch các địa phương vùng Đông Bắc bộ, Huế là điểm đến đã quá “cũ”, tỷ lệ người dân có nhu cầu đi du lịch đã đến Huế rất nhiều. Nhiều người đã đến Huế có nhu cầu đi những địa phương khác. Điều này càng khiến du lịch Huế “vận động” làm mới mình và tăng tính liên kết vùng để có sự bổ trợ trong thu hút khách.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG