Xe khách “biến” thành xe đám cưới...
 
13 giờ, 50 phút một ngày đầu năm 2014, chiếc xe khách mang biển kiểm soát 73B - 827... tuyến Huế - Ba Đồn được lệnh chuyển bánh rời bến xe phía Bắc, TP Huế. Dù số khách đã đủ so với quy định, nhưng khi vừa ra khỏi khu vực bến xe, nhà xe đã bắt thêm gần 10 khách khác đi Đông Hà (Quảng Trị), Đồng Hới (Quảng Bình) gây quá tải. Nhiều khách tỏ ra bức xúc, yêu cầu nhà xe không bắt thêm khách. Phớt lờ những ý kiến của hành khách, chủ xe vẫn “vô tư” bắt khách dọc đường...
 

Xe khách ngang nhiên đón khách không đúng nơi quy định ngay trong trung tâm thành phố

 
Sau khi không thể nhồi nhét khách thêm được nữa, chủ xe cho cất tấm biển tuyến Huế - Ba Đồn xuống và đưa một bảng có chữ “Song Hỷ” lên trước kính xe. Từ khi có “bùa hộ mệnh” là tấm biển Song Hỷ, chiếc xe khách tha hồ chạy dọc tuyến mà không bị lực lượng CSGT cho dừng xe để kiểm tra. Qua quan sát của chúng tôi, chiếc xe có 29 chỗ ngồi (kể cả lái xe), nhưng số khách trong xe lên đến 40 người.
 
Về quê, tôi ra Bến xe phía Bắc TP Huế đón xe. Vừa mới tới cổng bến xe, nhiều người chạy đến vồn vã: “Anh đi mô? Đi Ba Đồn không?”. Đúng tuyến cần đi nhưng để chắc ăn, tôi hỏi lại: “Nếu đi Ba Đồn thì nói đi Ba Đồn, còn không thì cho chúng tôi đón xe khác nhé!” “Anh yên tâm xe ra tận Ba Đồn”.
 
Tin lời, tôi và cả gia đình cùng lên chiếc xe ô tô khách mang biển kiểm soát 75-0029... Lúc này trên xe chỉ có 3 hành khách, còn lại đa số là hàng hóa. Vừa lên xe, tài xế đạp ga phóng rất nhanh. Tôi hỏi: Tại sao xe chạy nhanh thế? Lái xe trả lời: “Chạy nhanh để cắt đuôi xe khác”. Hồi sau mới hiểu, lái xe muốn vượt lên, tranh giành khách với các xe khác. Ra đến TP Đồng Hới, chủ xe buộc chúng tôi phải qua một xe ô tô khách khác chạy tuyến Đồng Hới – Ba Đồn. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Răng không nói trước, nay ra tới đây lại san chúng tôi qua xe khác”. Lái xe cự nự, hằn học thậm chí còn văng tục.
 
Gần Tết, tôi lại cùng gia đình có dịp về quê. 13 giờ 45 phút chiều, chúng tôi đã ngồi ổn định trên chiếc xe khách chạy tuyến cố định Huế - Ba Đồn (Quảng Bình). Theo quy định của BQL Bến xe phía Bắc, xe chạy tuyến cố định nào phải đón khách đi đúng tuyến đó. Đúng 14 giờ, xe chúng tôi được lệnh xuất bến. Trước đó, cũng có một số xe chạy tuyến Huế - Đông Hà, Huế - Hồ Xá, Huế - Lao Bảo... cũng đã rời bến. Nói chung, lộ trình xe xuất, nhập bến diễn ra tại Bến xe phía Bắc khá ổn định và trật tự. Tuy nhiên, ngay sau khi các xe ra khỏi bến, tình trạng tranh, giành, chèo kéo khách giữa các xe hết sức lộn xộn ngay trước mặt bến xe. Không chỉ xe tuyến cố định, mà xe không tuyến cố định (thường gọi xe dù) cũng tranh, giành khách khá gay gắt.
 
Gây rối ngay tại bến xe
 
Sự “cạnh tranh không lành mạnh” này đã dẫn đến một điều tất yếu: “Cãi vã, chửi nhau, xô xát” giữa các nhà xe với nhau. Gần đây nhất, vào khoảng hơn 23 giờ, ngày 1/1, có khoảng 20 đối tượng đem hung khí vào Bến xe phía Nam, TP Huế quậy phá, đánh hai bảo vệ là Nguyễn Ngọc Lộc và Nguyễn Thanh Lanh (cả hai đều 32 tuổi) bị thương nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Nguyên nhân được xác định, số đối tượng trên vào bến xe tìm các nhân viên nhà xe Minh Phương để gây hấn, nhưng khi tổ bảo vệ can ngăn thì bị đánh.
 
Trước đó, vào chiều 6/8/2013, cũng xảy ra sự việc tương tự khi các bảo vệ của bến xe này bị các đối tượng côn đồ xông vào hành hung. Chiều 31/12/2013, tài xế xe buýt là anh Hồ Tăng Anh Vũ (35 tuổi) và nhân viên soát vé Nguyễn Văn Hải (24 tuổi) cũng bị một nhóm côn đồ hành hung tại khu vực bến xe. Nguyên nhân do anh Vũ và anh Hải can ngăn các đối tượng này say rượu rồi quậy phá, sàm sỡ với hành khách nữ trên một chuyến xe buýt.
 
Ông Phạm Hữu Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV quản lý Bến xe Thừa Thiên Huế cho biết: “Bến xe là địa bàn phức tạp gồm nhiều thành phần xã hội. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc tranh giành khách, hoạt động bảo kê phương tiện và một số đối tượng muốn ra oai, thị uy để khuếch trương lực lượng. Nếu cơ quan chức năng không can thiệp, xử lý kịp thời thì mối an nguy rất lớn. Thời gian qua, công ty rất chú trọng đến công tác an ninh trật tự, hợp đồng với lực lượng công an và các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng công an không bố trí đủ lực lượng ứng trực thường xuyên; đồng thời, lực lượng bảo vệ mỏng và không có công cụ hỗ trợ để xử lý các trường hợp nghiêm trọng.  
 
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm
 
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, tình trạng xe khách không có tuyến vào TP Huế vẫn tiếp tục tìm cách vào nội thành để đón trả khách, gây mất trật tự an toàn giao thông. Đó là các xe khách mang biển kiểm soát 74K- 78..., 74B-00..., 73B-002..., 74B-002.7... Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý, xử phạt nghiêm các đơn vị, các xe vi phạm chạy sai luồng, tuyến, đón trả khách không đúng quy định, gây mất trật tự.
 
Trên tinh thần đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Y tế, do Sở Giao thông Vận tải làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 04 đơn vị kinh doanh vận tải. Ông Võ Hoài Nam, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Qua kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH An Phú, Chi nhánh Công ty CP lữ hành Quốc tế Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Festival Bus, Chi nhánh Công ty TNHH Nhật Tuấn cho thấy, các doanh nghiệp này tổ chức thu gom khách, đậu, đỗ đón, trả khách không đúng nơi quy định, ảnh hưởng đến trật tự vận tải khách bằng ô tô và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, lực lượng chức năng triển khai đồng bộ áp dụng các biện pháp bổ sung, tạm giữ phương tiện có thời hạn đối với những trường hợp vi phạm về thể lệ vận tải...
Bài, ảnh: Anh Phong