Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Thu Trang và ông chủ của "Hương từ bi" Tôn Thất Kỳ Văn

Từ tài nguyên bản địa

Tìm ý tưởng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Đó là gợi ý của chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Thu Trang, đồng sáng lập Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Cộng Hưởng. Ở Thừa Thiên Huế, Cộng Hưởng được biết đến là một trong những doanh nghiệp tiên phong hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tư vấn, ươm tạo và kết nối đầu tư.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có sự tác động mạnh mẽ trên nhiều mặt trong đời sống, nhất là những lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Nhiều người trẻ đã coi đây là cơ hội để phát triển những dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Thị Thu Trang, khởi nghiệp với sản phẩm về công nghệ có thể thuận lợi vì chi phí nhưng lại đòi hỏi những yêu cầu cao về trình độ nhân sự. Bởi lẽ, ngay khi bắt đầu một dự án về công nghệ, người khởi nghiệp phải nhìn đến một bức tranh lớn hơn, đó là vươn ra khỏi Việt Nam. Đây là thách thức lớn đối với một dự án về công nghệ nếu có đội ngũ chưa đáp ứng kịp những yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng mềm để hội nhập quốc tế. Nếu không có ý tưởng liên quan đến lĩnh vực công nghệ, người trẻ hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp với những ý tưởng xuất phát từ những sản phẩm đặc trưng của địa phương nơi mình đang sinh sống.   

Trong câu chuyện chia sẻ với người trẻ, Nguyễn Thị Thu Trang cho biết rất nhiều người trẻ quốc tế cũng đã chọn khởi nghiệp từ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thừa Thiên Huế vốn nổi tiếng với nhiều sản phẩm đặc sản địa phương, được du khách và bạn bè quốc tế yêu thích, như bún bò Huế, thanh trà, vả… nên người trẻ cũng sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp nếu quan tâm đến lĩnh vực này. “Hiện nay, xu hướng của thị trường thế giới tìm được về những giá trị, những sản phẩm, dịch vụ tôn vinh giá trị tài nguyên bản địa. Do vậy, cùng với công nghệ, khai thác tài nguyên bản địa để tạo ra những giá trị độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ khi khởi nghiệp là một xu hướng có thể đem lại nhiều lợi thế”, chuyên gia Thu Trang nhấn mạnh.

Hướng đến người khó

Sau nhiều năm hoạt động ở các vùng miền khác, Tôn Thất Kỳ Văn trở về Huế và muốn là việc gì đó thực sự có ý nghĩa cho quê hương. Là một phật tử, anh đã cùng với vợ sáng lập mô hình doanh nghiệp phụng sự xã hội hướng đến việc “khai mở tri thức và bồi dưỡng tâm hồn” với café sách “Hương từ bi”. Ngoài ra, anh còn được biết đến với tư cách là nhà tư vấn độc lập về các dự án phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và từ thiện xã hội.

Trong “Hương từ bi”, Tôn Thất Kỳ Văn dành một không gian nhỏ để trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm của Trung tâm Hy vọng. Tuy nhiên, do sản phẩm quà lưu niệm ở Hy vọng còn đơn điệu về mẫu mã, sức tiêu thụ cũng chưa mạnh, nên Tôn Thất Kỳ Văn đã đặt hàng với người trẻ khởi nghiệp bằng những ý tưởng có thể hỗ trợ người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, không gian “Hương từ bi” hoàn toàn có thể là sân chơi để người trẻ thử nghiệm những ý tưởng của mình.

“Điều chúng tôi mong nhất là làm thế nào để có được một kênh dạy cho người khuyết tật bị câm và điếc giỏi về tin học, về công nghệ thông tin để các bạn có thể tự thiết kế những mẫu mã mới cho sản phẩm của chính mình. Tôi nghĩ, các bạn sinh viên nên chung tay cùng với Trung tâm Hy vọng thiết kế đồ họa, làm các phần mềm, sáng tạo mẫu mã mới, tăng cường marketing online, đẩy mạnh nhận dạng thương hiệu và sử dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm của người khuyết tật. Tôi muốn đặt những đơn hàng ấy với các bạn. Nếu điều đó được thực hiện, chính là một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực sự có ý nghĩa”, Tôn Thất Kỳ Văn kỳ vọng.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN