Đọc bản dịch hồi ký của giáo sĩ Alexandre de Rohdes, tôi đặc biệt ấn tượng về cách gọi Kim Long thời Chúa Nguyễn Phúc Lan là “thành phố lớn”, là “kẻ Huế” của ông. Dưới cái nhìn của giáo sĩ Alexandre de Rohdes, phủ Chúa bấy giờ ở Kim Long khang trang, xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột kèo chạm trổ tinh vi, nhà nào cũng có vườn, ban đêm thì đèn sáng trưng. Qua ghi chép và mô tả của Alexandre de Rohdes và nhiều giáo sĩ, ta có thể hình dung về mô hình nhà vườn gắn liền với dinh thự quan lại đã xuất hiện ở Huế khoảng 400 năm trước. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cùng với các lăng tẩm trầm mặc, hoàng thành cổ kính, những ngôi nhà vườn êm ả thanh bình ở đây đã góp phần làm nên “thành phố nhà vườn” Huế. 

Người Huế tự hào về nhà vườn nhưng cũng “khổ” nhiều về di sản văn hóa này. Muốn gìn giữ một ngôi vườn có bốn mùa cây trái xanh tươi phải dụng công. Để bảo tồn một ngôi nhà rường trong khu nhà vườn, chủ yếu được làm bằng gỗ, có những liên kết kiến trúc phức tạp, được chạm trổ công phu và cầu kỳ, đòi hỏi công sức và sự hiểu biết tường tận của chủ nhân. Khác với một ngôi nhà phố hay căn hộ chung cư, nhà vườn vắng chủ lâu ngày hay lơ là chăm sóc, chỉ phút chốc ghé thăm, ai cũng dễ dàng nhận ra ngay. Còn nữa, tiết trời Huế nắng mưa thất thường, có cả mùa mưa lê thê kéo dài làm “thúi” đất và hỏng nhà, đó là nỗi “khổ” lớn nhất. Trước năm 2003, ngành văn hóa khảo sát hệ thống nhà vườn đặc trưng trên địa bàn và kết quả có hơn 150 nhà “đạt chuẩn”. Đến năm 2012, khi đi khảo sát lại chỉ còn chưa đầy 100 nhà, và đến nay chỉ vẻn vẹn 50 nhà đảm bảo các tiêu chí của một nhà vườn Huế.

Để tự cứu lấy mình, chính quyền thành phố Huế đã không ít lần kêu gọi các đơn vị kinh doanh du lịch cùng liên kết và tìm giải pháp. Du lịch nhà vườn được mở ra với bao ý tưởng lạc quan. Thế nhưng, do chưa có dịch vụ đặc sắc đi kèm nên cách làm này không “níu” được thời gian của du khách và gần như chết yểu. Hình ảnh chủ nhà khăn đóng áo dài, ra tận cổng đón, rồi pha trà mời, dành cả buổi để giới thiệu nhà vườn mà chẳng thu được gì nên nản, chẳng lẽ cứ mãi làm không công nên buồn bã và rồi từ chối đón khách là khá phổ biến. Còn khỏi phải bàn luận nhiều, khách xa đến sẽ thất vọng biết bao khi chủ nhà cứ như cô Lan trong tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” của Nguyễn Công Hoan cắt đứt dây chuông, không đón tiếp.

Trở lại với đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Tôi thích đề án này, khi đặt ra mục tiêu không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của nhà vườn Huế mà còn là tiền đề để góp phần phát triển du lịch nhà vườn về lâu dài. Đặc biệt, cái hay của dự án là ở tính thiết thực và cụ thể. Nhà nước đã chịu chi tiền và đối tượng được hưởng sự đầu tư cũng rõ ràng và cụ thể. Theo đó, trong 2 năm 2017 và 2018 đã có 21 nhà vườn được phê duyệt kinh phí hỗ trợ trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị với mức từ 400 triệu đồng đến 700 triệu đồng, tùy theo xếp loại. Trước khi tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho 3 nhà vườn tiêu biểu nêu trên, đã có 5 nhà vườn ở Huế được tổ chức trùng tu và bảo tồn thành công.

Đã đến lúc, bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa cần có những chính sách và đầu tư cụ thể. Đó là chuyện đáng suy ngẫm, được rút ra từ nhà vườn xứ Huế hôm nay.

ĐAN DUY