Trong khi đó, các quốc gia thành viên khác của ASEAN được xếp hạng lần lượt theo thứ tự: Malaysia (13), Philippines (15), Việt Nam (34), Indonesia (39), Thái Lan (53), Campuchia (77) và Lào (80). Brunei và Myanmar không được khảo sát trong nghiên cứu này.

Học sinh 7 tuổi trong một lớp học ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Cũng theo nghiên cứu nói trên, Việt Nam đạt 53,43/100 điểm, nằm trong nhóm trung bình về năng lực tiếng Anh. Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội là 2 nơi có năng lực tiếng Anh tốt nhất. Trong khi tính theo khu vực, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng ghi nhận chỉ số cao hơn, so với các khu vực còn lại trong nước.

Tờ The ASEAN Post ngày 24/9 có bài viết nêu những nỗ lực tiêu biểu của Thái Lan để cải thiện tình trạng thiếu năng lực tiếng Anh ở quốc gia này. Cụ thể, trong năm 2016, khi quốc gia này được xếp thứ 62 trong số 70 quốc gia trong Chỉ số Thông thạo Anh ngữ năm 2015 của EF, Bộ Giáo dục Thái Lan đã thừa nhận, xếp hạng thấp này đặt ra vấn đề cho Thái Lan, khi họ tìm cách đạt được sự hội nhập lớn hơn trong cộng đồng ASEAN, cũng như nhắm đến việc tăng cường cơ hội kinh doanh, xã hội, văn hóa và việc làm trong các quốc gia Đông Nam Á.

Các quan chức Thái Lan bày tỏ lo ngại rằng, những quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Singapore và Myanmar, nơi có nền giáo dục tiếng Anh tốt hơn chắc chắn sẽ có lợi thế khi làm kinh doanh quốc tế.

Đáng chú ý, Andrea Benešováa và Jiří Tupaa thuộc Khoa Công nghệ và Đo lường tại Đại học Tây Bohemia ở Cộng hòa Séc vào năm 2017 đã xuất bản một nghiên cứu nêu rõ tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Nghiên cứu “Những Yêu cầu đối với Giáo dục và Năng lực trong Công nghiệp 4.0” chỉ ra, những công việc hàng đầu bao gồm chuyên gia tin học, lập trình viên thiết bị điều khiển lập trình (PLC), lập trình viên robot, kỹ sư phần mềm, nhà phân tích dữ liệu và nhân viên an ninh mạng, tất cả đều yêu cầu sự thông thạo tiếng Anh.

Thúc đẩy tiếng Anh tốt hơn

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan, ông Teerakiat Jareonsettasin luôn nhấn mạnh nỗ lực cải thiện tiêu chuẩn tiếng Anh, từ khi ông còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan hồi năm 2016. Trong năm 2016, ông đã công bố một kế hoạch kêu gọi những thay đổi mạnh mẽ trong chương trình giảng dạy tiếng Anh tại các trường học, bao gồm tăng cường số lượng tiết học, sách giáo khoa mới và một chương trình đào tạo chuyên sâu cho các giáo viên hàng đầu, những người sau đó sẽ trở thành giáo viên hướng dẫn cho các giáo viên khác.

Khi kiểm tra khả năng nói và viết, thông thường sẽ cần người bản xứ. Tuy nhiên, Thái Lan không có đủ người bản xứ để đánh giá 10 triệu học sinh sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết; đồng thời đề cập đến kết quả của một cuộc khảo sát do Bộ Giáo dục nước này thực hiện, khi chỉ có 6 giáo viên tiếng Anh người Thái Lan trong số hơn 43.000 giáo viên ở các trường công trên toàn quốc nói tiếng Anh lưu loát như người bản xứ.

Tuy nhiên, những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ ​​việc thiếu nền tảng giáo dục có chất lượng, và có năng lực tiếng Anh thấp hơn là những người không đủ khả năng để có tiếp cận giáo dục chất lượng tốt ở Thái Lan, nơi bất bình đẳng giáo dục vẫn còn lớn.

Hiệu trưởng Stephen Holroyd của trường quốc tế Shrewsbury ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) cho hay, các trường cao cấp liên tục gửi những sinh viên giàu có nhất đến các trường đại học đắt tiền ở Vương quốc Anh và Mỹ. Những sinh viên được đào tạo quốc tế này có vị trí tốt hơn để nhận được những công việc hàng đầu ở Thái Lan, không chỉ vì chất lượng giáo dục mà họ có được, mà còn bằng cách kết nối với các sinh viên đại học nước ngoài ưu tú khác ở Thái Lan.

Nhìn từ Thái Lan

Trong năm 2016, quốc gia này công bố sáng kiến ​​kinh tế mới nhất có tên “Thái Lan 4.0”. Sáng kiến ​​này là một kế hoạch tổng thể nhằm đưa quốc gia sẵn sàng bước vào thời đại Công nghiệp 4.0, với mục tiêu cuối cùng là đưa Thái Lan trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Để đi cùng xu hướng đó, ông Teerakiat thông tin, Bộ Giáo dục Thái Lan đang làm việc với Hội đồng Anh và Khoa Kỹ thuật Máy tính của trường Đại học Chulalongkorn để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng đánh giá trực tuyến kỹ năng nói và viết của học sinh, sinh viên. Đây là một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thiếu người bản xứ cần thiết để tiến hành đánh giá năng lực tiếng Anh.

Trong khi đó, Thái Lan cũng phát hành một ứng dụng điện thoại di động miễn phí, có tên “Echo English”, khuyến khích người dân thực hành hội thoại tiếng Anh thông qua các trò chơi. Ứng dụng này được hy vọng sẽ giúp cải thiện sự thông thạo tiếng Anh của người Thái, tiếp đó là khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Thái Lan có khả năng sẽ thu được kết quả khả quan, nếu quốc gia này tiếp tục đẩy mạnh việc đảm bảo người dân có năng lực tiếng Anh tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Thái Lan cũng cho thấy họ không ngại sử dụng những cách thức sáng tạo để đạt được điều này. Tuy nhiên, thách thức đối với Thái Lan là đảm bảo tất cả mọi người có thể cải thiện trình độ tiếng Anh.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post & EF)