Theo lời kể của người hàng xóm (người tổ chức đám cưới hôm đó), trong khi qua dự đám cưới, tâm trạng thanh niên này rất buồn. “Khi mọi người dự cưới đã về hết, chỉ còn mấy mâm trong gia đình ngồi lại với nhau thì chúng tôi nghe tiếng mẹ thanh niên này la “bà con ơi cứu với, con tui trúng gió”. Gia đình tui bỏ bàn tiệc, nháo nhào chạy đưa trái chanh qua để giải cảm. Ai ngờ, không phải nạn nhân bị trúng gió mà uống thuốc sâu pha xăng. Là hàng xóm thân cận, suốt mấy ngày đám tang, người hàng xóm đều có mặt giúp việc này việc nọ. Chị cho biết, trong đám tang, bà ngoại thanh niên nghẹn ngào kể, trước đó ít hôm, về nhà bà chơi, đứa cháu mấy lần lặp đi lặp lặp lại “bà ơi, có lẽ cháu đi trước bà thôi”. Lúc đó, bà chỉ nghĩ đứa cháu nói đùa.

Ông Cái Xuân Lạng, Trưởng Công an xã Lộc Trì cho biết, khi công an xã đến nắm thông tin, gia đình thanh niên này cho biết, có lẽ con trai họ buồn vì mới chia tay người yêu nên tự tử. Nhưng sau đám tang con, mẹ của người thiệt mạng lại bần thần lặp đi lặp lại, đến bây giờ gia đình vẫn không biết được nguyên nhân vì sao con trai bà tự tìm đến cái chết một cách đau đớn như vậy. “Mất đi đứa con, gia đình tui đau khổ, lại còn phải day dứt hỏi nhau, có ai làm em nó buồn, giận không?”, Người mẹ buồn bã.

Lý giải thắc mắc về dư luận con trai mình đánh bạc qua mạng internet “cháy túi”, nợ nần quá nhiều không có tiền trả, bị những kẻ cho vay nợ dọa giết nên mới tự tử, người mẹ thừa nhận con có “chơi bài” qua mạng internet, nhưng lại cho rằng con trai bà không nợ nần ai. Nhưng trong suốt câu chuyện về đứa con trai xấu số, không ít lần người mẹ này “buột miệng” kể có nhiều khi “hắn” nhờ mẹ, chị gái vay mượn giùm chục triệu. Có lúc chị gái nói với em: “Em làm khổ chị và mẹ”.

Theo lời người mẹ, thời gian qua, do làm ăn không thuận lợi nên con trai bà buồn bã. Gia đình không hề la rầy, mà động viên “Con gắng ít lâu rồi mình làm lại…” Trong khi đó, cũng theo người mẹ, thời gian qua con trai bà chưa có công việc gì mà chỉ “làm chơi vậy đó”. Người mẹ vừa mới mất con lặp đi lặp lại: “Nếu con tui có nợ nhiều người, mỗi người hàng trăm triệu đồng như lời đồn thì răng người ta không đến nhà tui đòi nợ, răng con tui vẫn sống đàng hoàng mà không đi trốn?” Câu hỏi của người mẹ này sẽ không bao giờ có câu trả lời, bởi người có thể trả lời chính xác câu hỏi đó, giờ đã nằm câm lặng dưới nấm mồ. Hoặc cha mẹ người thanh niên này không dám nghĩ đến một sự thật đau đớn, rằng có thể việc con trai mình tự tìm đến cái chết, là cuộc bỏ trốn cùng quẫn nhất?

Trên bàn thờ, ánh mắt người quá cố trong di ảnh thật buồn. Nếu chứng kiến mẹ của mình chỉ mới 55 tuổi nhưng mái đầu bạc trắng đau khổ, gia đình tang thương, day dứt không biết đến bao giờ, thì có lẽ dù bất cứ chuyện gì xảy ra, phải đối diện với bất cứ khó khăn nào đó của cuộc sống, người thanh niên này có thể không lựa chọn cách giải quyết vấn đề một cách tiêu cực đến vậy. Và nếu biết con mình rơi vào cảnh như vậy, có lẽ cha mẹ thanh niên này phải gần gũi quan tâm, đặc biệt “nghiêm túc” với con hơn, để con tránh được những lầm lạc đáng tiếc. Mong rằng, câu chuyện này là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người phải có thái độ và cách ứng xử đúng đắn để không làm liên lụy đến bản thân, gia đình và xã hội.

Phạm Thùy Chi