Tôi khá là ngạc nhiên khi đến TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) mà không nhìn thấy bất kỳ tín hiệu đèn giao thông nào. Tìm hiểu thì được biết do địa hình đường sá Đà Lạt nhiều dốc cao, nếu đặt tín hiệu đèn xanh đèn đỏ cũng không thuận tiện cho xe đang đà lên dốc. Khi xây dựng TP. Đà Lạt người Pháp chỉ dự trù một thành phố khoảng 90 ngàn dân, nên họ thiết kế các tuyến đường khá nhỏ hẹp, uốn lượn theo các triền núi rất thơ mộng. Và điều đó đã trở thành đặc trưng riêng của Đà Lạt ngoài vẻ đẹp về thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu mát mẽ. Vì những đặc thù như thế nên chính quyền TP. Đà Lạt bây giờ chưa từng và không có ý định lắp tín hiệu đèn giao thông, dù ở đó, các ngã tư, năm, sáu khá nhiều.

Nếu so với hạ tầng kỹ thuật mà chủ yếu là đường giao thông thì TP. Đà Lạt chưa bằng Huế. Ở đó những con đường ngoài chật hẹp, còn gồ ghề, nhiều ổ gà, lắm ổ voi. Những con đường đến các khu du lịch dù cũng được đầu tư song không lớn, chỉ là đường hai chiều, chưa có đường một chiều với hai làn xe như ở TP. Vũng Tàu, cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước.

Hẳn nhiên là mỗi thành phố có những đặc trưng, lợi thế riêng, song Đà Lạt có nhiều điểm tương đồng với Huế, khi cả hai thành phố đều hướng đến phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, như lời phát biểu của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại buổi khai mạc tập huấn liên quan đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật mới đây. Theo đó, thành phố này sẽ từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ để phát triển ngành du lịch đẳng cấp, với các gói dịch vụ, nghỉ dưỡng sang trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đó cũng là mục tiêu mà ngành du lịch Huế đang hướng đến.

Để đạt được các mục tiêu đó, ngoài những yếu tố cần và đủ như tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng riêng, nhân lực, cơ sở hạ tầng… của ngành du lịch thì rõ ràng hạ tầng giao thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và thêm điểm cộng cho ngành du lịch nếu giao thông kết nối tốt, sân bay, nhà ga, bến xe đạt chuẩn, đường sá được đầu tư khang trang…

Tôi nói điều đó là khi lưu trú ở đây gần một tuần và tham gia giao thông khá nhiều kể cả bằng xe máy, taxi và cả đi bộ lúc sáng sớm, dù đường khá đông người, song rất ít khi xảy ra tình trạng va quệt. Người ta nhường nhau, quan sát nhiều hơn và cũng ít bấm còi hơn… Và tôi cũng ít khi thấy các anh cảnh sát làm nhiệm vụ, ngoài hai lần đi ngang trụ sở Công an TP. Đà Lạt và Công an tỉnh Lâm Đồng.

Lại nói về tiếng còi xe, vì không có tín hiệu đèn giao thông nên đến các ngã đường lái xe thường chậm lại quan sát nhiều hơn là bấm còi. So sánh điều này với Huế, kể từ khi triển khai “Thành phố không tiếng còi” đã phần nào hạn chế được tình trạng bấm còi xe “vô lý”. Thế nhưng, để không còn tiếng còi xe như mục đích của cuộc vận động chắc chắn còn nhiều việc phải làm...

Song, theo quan sát ở TP. Đà Lạt cũng như đánh giá, nhận xét của nhiều người, để hạn chế tiếng còi xe quan trọng vẫn là ý thức, thói quen của người điều khiển phương tiện giao thông, bởi hạ tầng dù có tốt nhưng người tham gia giao thông chưa bỏ được thói quen bấm còi, chưa có văn hóa nhường đường… thì cũng khó triển khai thành công cuộc vận động.

Chúng ta chưa thể tham vọng đến mô hình không tín hiệu đèn giao thông như ở Đà Lạt, vì cái này đã có từ lâu đời, đã thành nếp nghĩ, thói quen của người dân xứ bạn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một thành phố không tiếng còi xe, nếu có sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân, chính quyền, đoàn thể… Và nếu thế hệ này chưa làm được thì với cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ ý thức hơn, làm tốt hơn, tất nhiên là vai trò làm gương của bố mẹ, thầy cô, người lớn… khá quan trọng, nếu không muốn nói là mấu chốt.

TÂM HUỆ