Trước sự kiện trên, TS. Trần Ngọc Nam Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan thường trực của UBND tỉnh về các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) có những chia sẻ nhanh cùng Báo Thừa Thiên Huế. Ông cho biết:

TS. Trần Ngọc Nam

Nếu xét ở góc độ cuộc thi cấp tỉnh với 63 tỉnh, thành trên cả nước, cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" năm 2018 của Thừa Thiên Huế đã thành công. Việc đó thể hiện ở ba điểm: Có 28 ý tưởng, dự án tham gia vòng sơ khảo; Hội đồng giám khảo của vòng thi chung kết đều là những chuyên gia tầm quốc gia, họ đã làm việc rất trách nhiệm, khách quan và tập trung về số phiếu và phạm vi lĩnh vực của các hồ sơ dự thi phủ rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các lĩnh vực đều đúng trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, nổi bật có lĩnh vực công nghệ thông tin theo xu hướng công nghiệp 4.0, nông nghiệp sinh học và phát huy giá trị đặc sản địa phương.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã có những chính sách cụ thể nào cho hệ sinh thái KNĐMST?

Hiện nay, Thừa Thiên Huế chưa ban hành những chính sách hỗ trợ cụ thể, độc lập về KNĐMST. Tuy nhiên, tất cả những chính sách có liên quan đến Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025”, tỉnh đều tập trung thực hiện. Ngoài ra, chủ trương này cũng được phối kết hợp trong nhiều chính sách khác, như: chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án đạt giải cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"…

Ông có thể giới thiệu cụ thể hơn về những ưu đãi mà một ý tưởng/dự án đạt giải cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" được hưởng?

Tham gia cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do UBND tỉnh tổ chức, tác giả/nhóm tác giả các ý tưởng, dự án đạt giải được hỗ trợ khen và thưởng, được chọn ươm tạo, chọn giới thiệu các cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tầm khu vực hoặc quốc gia. Nếu các ý tưởng, dự án tiếp tục đạt giải thì tiếp tục được hưởng các hỗ trợ trực tiếp theo quy định của Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng từ các chuyên gia khởi nghiệp nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm tầm quốc gia và quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư...

Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch thành lập Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ KNĐMST. Tiến độ thực hiện kế hoạch hiện ở mức độ nào, thưa ông?

Đối với vấn đề này, UBND tỉnh đã thống nhất giao Sở KH&CN chủ trì quản lý, sử dụng tầng 7 và tầng 8 của tòa nhà số 22 đường Tố Hữu (phường Xuân Phú, TP. Huế), để làm trụ sở Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ KNĐMST của tỉnh. Ban đầu, kế hoạch được chỉ đạo thực hiện rất khẩn trương để kịp phục vụ sự kiện Techfest vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018, dự kiến được tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, do khó khăn về mặt bằng nên đến nay kế hoạch này đang bị tạm ngưng. Đây là điều rất đáng tiếc.

Ông đánh giá thế nào về sự lan tỏa của cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" trên địa bàn tỉnh? 

 Chuyên gia Hoàng Minh Ngọc Hải (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp​

Một trong những mục đích quan trọng của cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" là đưa tinh thần KNĐMST vào cộng đồng, đặc biệt đối với sinh viên, thanh niên, người trẻ. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực để “thổi” tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các trường đại học và tổ chức Đoàn thanh niên. Theo tôi, chúng ta đã làm điều đó thành công sau ba lần tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo". Đã có rất nhiều hoạt động được tổ chức, trong đó không chỉ riêng Sở KH&CN mà nhiều đơn vị khác cùng vào cuộc, như: Đại học Huế, Đoàn thanh niên, Hội LHPN và cộng đồng doanh nghiệp.

Sự lan tỏa ấy chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Hiệp hội Doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế đã tham gia rất tích cực các hoạt động của phong trào KNĐMTS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một doanh nghiệp chỉ được coi là doanh nghiệp khởi nghiệp khi mới đi vào hoạt động. Còn những doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm, có kinh nghiệm kinh doanh, có hiệu quả kinh tế, có năng lực tài chính... có vai trò cố vấn, giúp đỡ, hướng dẫn doanh nghiệp non trẻ trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế chưa có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh về mọi mặt nên sự đồng hành ấy cũng bị hạn chế. Chính vì vậy, trong nhiều hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thừa Thiên Huế vẫn phải mời các chuyên gia ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Dù vậy, tôi vẫn nhấn mạnh rằng phong trào KNĐMST của Thừa Thiên Huế đã được lan tỏa và cộng đồng xã hội đã biết về hệ sinh thái này. Sau 3 lần tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", nói đến KNĐMST rất nhiều doanh nghiệp đều biết đó là hoạt động gì của tỉnh. Theo tôi, đó cũng là một thành công rất có ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN