Bến cảng Tanjong Pagar ở Singapore. Ảnh: AFP

Trong số 71 nền kinh tế đang phát triển trong nửa thế kỷ qua, 18 nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng lớn, với 8 nền kinh tế trong số đó nằm ở khu vực Đông Nam Á, một báo cáo tháng 9 của McKinsey cho thấy.

Đáng chú ý, cùng sự kết hợp chính sách phù hợp, các nền kinh tế này có thể tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên gần 5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, tương đương khoảng 5% nền kinh tế toàn cầu.

Theo bà Lin, các quốc gia “CLMV” gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam tăng trưởng hơn 5% trong 2 thập kỷ tính đến năm 2016, trong khi các quốc gia khác gồm Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia tăng tốc khoảng 3,5% trong khoảng thời gian 50 năm kể từ năm 1965.

Động lực và thách thức

Bà Lin cho rằng, có 2 yếu tố giúp củng cố nền kinh tế của khu vực kể từ năm 1965. Đầu tiên, và quan trọng hơn cả, là việc tích lũy vốn - tiết kiệm trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). "Đó là cơ sở của năng suất và chu kỳ tăng trưởng, bạn có thể đầu tư, đầu tư dẫn đến thu nhập, và cho phép đầu tư thêm, cho phép sự đổi mới”, bà nói thêm.

Yếu tố thứ hai chính là vai trò của các công ty lớn, những công ty có doanh thu hơn 500 triệu USD.

Tuy nhiên, các nền kinh tế đang bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với 3 thách thức chính trong việc duy trì những con số tăng trưởng ấn tượng này. Đó là cách các nền kinh tế áp dụng công nghệ ngày nay tốt như thế nào, đồng thời đòi hỏi sự chú trọng lớn hơn vào giáo dục đối với khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), cũng như trong các chương trình tái đào tạo người lao động.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế cũng sẽ phải giải quyết một “nguồn lực lượng lao động mới”, khi việc tăng năng suất sẽ trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là ở các nền kinh tế như Thái Lan và Singapore, nơi sự già hóa đang phổ biến.

Cuối cùng là nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á, khi hầu hết mọi người đều cần thêm đường, sân bay, lưới điện, nước và cảng.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Bloomberg)