Sự quan tâm của công luận đã có kết quả
Từ những năm 1990, Thừa Thiên Huế đã ứng dụng trực tiếp kết quả KCH vào công tác tu bổ, tôn tạo các di tích triều Nguyễn, với điểm đầu tiên là cung Diên Thọ (Đại Nội). Đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hoặc chủ trì khai quật, thám sát KCH 25 địa điểm/công trình di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Qua đó, hàng chục công trình kiến trúc được phục hồi trùng tu trên cơ sở dữ liệu do khảo cổ học cung cấp, như: đàn Xã Tắc, vườn Thiệu Phương, lầu Tứ Phương Vô Sự, hệ thống trường lang, lăng vua Gia Long, lăng vua Thiệu Trị và sắp tới là điện Kiến Trung, đàn Âm Hồn, Hải Vân Quan…
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu trong lễ khai mạc
Phát biểu trong phiên khai mạc, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giới thiệu Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Từ thời Tiền sử đã là trung điểm giao thoa giữa hai nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, gồm Đông Sơn ở phía Bắc và Sa Huỳnh ở phía Nam. Đây cũng là nơi từng phát hiện vô số các di tích di chỉ Champa nổi tiếng, là thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Chính vì vậy, ông bày tỏ mong muốn được các nhà KCH trong cả nước quan tâm nhiều hơn đến vùng đất Thừa Thiên Huế, tiếp tục có những hợp tác hỗ trợ thúc đẩy ngành KCH địa phương và bảo tồn di sản văn hóa của cố đô Huế.
Năm nay, Hội nghị Thông báo KCH toàn quốc lần thứ 53 được trình bày tại bốn tiểu ban: KCH Tiền sử, KCH Lịch sử, KCH Champa - Óc Eo và KCH dưới nước. Nội dung các báo cáo đề cập đến nhiều vấn đề mới về KCH trong năm, như: thông báo mới về các di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê, phát hiện mũi khoan đá ở Hoa Lộc, những kết quả phân tích đầu tiên của chương trình hợp tác nghiên cứu về ADN trong khảo cổ học giữa Việt Nam và Đan Mạch...
Theo PGS. TS Nguyễn Giang Hải, Giám đốc Viện Khảo cổ học, năm nay tiếng nói của công luận và cộng đồng về tình trạng các di chỉ KCH bị xâm hại cũng đã có kết quả, buộc các nhà quản lý không thể lẩn tránh trách nhiệm, như các trường hợp di chỉ Vườn Chuối, hay của khu hào thành Cổ Loa. “Đã đến lúc Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các hoạt động liên quan đến KCH cộng đồng, hướng đến việc tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa”, PGS. TS Nguyễn Giang Hải nói.
Nhiều phát hiện giá trị
Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về KCH năm 2018 nhận được 356 tham luận. Trong đó, có 115 thông báo về KCH Tiền sử, 184 bài về KCH Lịch sử, 41 bài về KCH Champa - Óc Eo, 10 bài về KCH Dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung trong ngành.
Năm 2018, Viện KCH tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (Nga) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng (gồm: Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7) và thám sát Rộc Tưng 6 và 8 thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Kết quả khai quật lần này, bước đầu ghi nhận ở thung lũng An Khê tồn tại nhóm di tích cư trú là chính, tiêu biểu là Rộc Tưng 1, bên cạnh các di tích hoạt động chế tác công cụ là chính như Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Tổ hợp công cụ đá ở các địa điểm này về cơ bản giống nhau, và là của một cộng đồng cư dân cổ, có niên đại đồng vị phóng xạ Kali Argon như đã phân tích các mẫu tectit ở rộc Tưng 1 là 782.000 ±20.000 năm BP và Gò Đá là 806.000 ±22.000 năm BP. Tất cả di tích và di vật của hố khai quật Rộc Tưng 1 đã được bảo lưu tại chỗ trong nhà mái che và là điểm tham quan, nghiên cứu duy hất hiện nay về khảo cổ học sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam.
Các đại biểu tham quan trưng bày kết quả mới về khảo cổ học tại Hội nghị
Trong lĩnh vực KCH Lịch sử, ở Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh và Viện KCH khai quật thăm dò di tích gò Dương Xuân nhằm bổ sung tư liệu, nghiên cứu giai đoạn lịch sử Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Tại đây đã phát hiện các di tích liên quan đến mộ táng, di tích nền, móng cát sỏi và kiến trúc đá. Kết quả này đã cung cấp thêm những tư liệu lịch sử về thời kỳ Tây Sơn.
Bên cạnh đó, nhằm thu thập các cứ liệu khoa học, phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, hoạt động khảo cổ cũng đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích này thời Nguyễn và một số dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975.
Liên quan đến văn hóa Óc Eo, cuộc khai quật di tích kiến trúc cổ An Phong (Bến Tre) đã làm rõ một phần nền móng kiến trúc đài điện Hindu giáo. Các hiện vật tìm thấy trong hố khai quật, thám sát và ở các vị trí xuất lộ bề mặt cho thấy sự liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân cổ, dàn trải trong khung niên biểu khá lớn, ít nhất từ thời kỳ văn hóa Óc Eo cho đến các thời kỳ hậu Óc Eo và cả các thời kỳ muộn hơn.
Những phát hiện, nghiên cứu mới về KHC là những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu lịch sử hình thành con người và dân tộc Việt Nam. Qua đó góp phần tích cực trong việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: Đồng Văn