Nhiều hình thức phạt dạy thêm

Học sinh mệt mỏi vì phải đi học thêm quá nhiều (Ảnh: minh họa)

Cụ thể, về vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, Dự thảo Nghị định ghi rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông.

Đặc biệt, phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn; Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Ngoài ra, vi phạm các điều khoản trên, buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép; dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, khi chưa được cấp phép; ép buộc học sinh học thêm; Buộc giải thể cơ sở dạy thêm đối với hành vi tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Đối với trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người dạy thêm không đạt trình độ chuẩn; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Phạt 30 triệu đồng nếu xâm phạm thân thể nhà giáo, thân thể người học

Về Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục, Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm này.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.

Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học:Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Ngoài ra, sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên.

Thanh tra có thể phạt tới 100 triệu đồng

Theo dự thảo Nghị định, thẩm quyền xử phạt của Thanh tra thì Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn...

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giáo dục cấp Sở có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra:

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giáo dục cấp Bộ có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra là Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 70.000.000 đồng.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa là 100.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm...

Bộ GD&ĐT cho biết, việc xây dựng Nghị định kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành; tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên toàn quốc. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực giáo dục.

Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu qủa Dự thảo gồm: Các hành vi phạm quy định về tổ chức cơ sở giáo dục và tổ chức dịch vụ giáo dục; Các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm; Các hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học, về văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh; Các hành vi vi phạm quy định về mở ngành, nội dung chương trình đào tạo; Các hành vi vi phạm quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; Các hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ; Các hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo và người học; Các hành vi vi phạm quy định về cơ sở vật chất, tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Dự thảo sẽ lấy ý kiến đóng góp hết ngày 25/11.

Theo Dân trí