Giảm đốt lò

 Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất tinh dầu tràm nguyên chất Hữu Tuyên ở thôn Nhất Phong, xã Phong Chương (Phong Điền) cho biết, trước đây khi còn nhiều tràm, mỗi ngày cơ sở nấu 4 lò, mỗi lò 5 tạ lá tràm gió. Mấy tháng gần đây, gia đình chị chỉ nấu được 1 lò.

Không riêng cơ sở chị Phượng, hàng chục cơ sở sản xuất tinh dầu tràm ở xã Phong Chương và thị trấn Phong Điền cũng giảm đốt lò so với trước đây do thiếu nguyên liệu.

Lá tràm khan hiếm, các cơ sở thu mua không kén chọn, có chừng nào mua chừng đó. Nếu may mắn, gặp lá tràm đẹp thì cho nhiều dầu. Bình quân nấu 5 tạ lá tràm cho khoảng 2 lít tinh dầu, nhưng nếu lá xấu chỉ được khoảng 1,5 lít dầu. "Trừ củi đuốc, một lò đỏ lửa từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều kiếm được khoảng 300 nghìn đồng tiền công", chị Phượng nói.

Nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, những người đi hái lá tràm cũng rất gian nan tìm kiếm, tranh đua để hái nguồn "lộc" tự nhiên này.

Chị Thủy, ở thôn Chính An (xã Phong Chương) theo nghề hái lá tràm gió từ mấy năm nay chia sẻ: "Bữa nay khó kiếm lắm, vợ chồng chị phải đi từ 4, 5 giờ sáng, chèo xuồng lên tận các làng ở Phong Bình, Phong Hoà hoặc ngược lên vùng trằm Phong Hiền để tìm, bứt. Lắm người đua nhau theo nghề này nên càng ngày càng khan hiếm".

Tổng cộng 4 bao chất đầy lá tràm của vợ chồng chị Thủy hái từ sáng sớm đến tận trưa đem cân bán nặng hơn 1 tạ. Khuôn mặt nhễ nhãi mồ hôi, chị Thủy cười tươi: "Rứa là nhiều rồi, nhờ gặp được nơi chưa ai biết nên mới bứt được nhiều". Chị Hảo, đi cùng chuyến chỉ hái được 44kg. Với giá 3.000 đồng/kg, suốt buổi sáng, chị Hảo kiếm được hơn 130.000 đồng. Tuy vất vả, nhưng đây là nguồn thu nhập khá hơn so với trồng lúa. 

Nguy cơ tận diệt

 Khó khăn mà nhiều cơ sở chế biến tinh dầu tràm đang gặp phải là nguồn nguyên liệu ngày càng khan hụt. Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương và doanh nghiệp đang có kế hoạch xây dựng đề án khôi phục, trồng mới vùng nguyên liệu.

Ông Trương Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất tinh dầu Hoa Nén chia sẻ, nếu chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu tự nhiên đang ngày càng thu hẹp thì rất khó ổn định sản xuất, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ. Để không bị phụ thuộc, doanh nghiệp phải tự thuê đất của dân và phối hợp cùng người dân trồng, khai thác. Trên cơ sở khảo sát nhiều điểm có cây tràm gió mọc tự nhiên, công ty dự kiến sẽ thuê đất thí điểm trồng mới, bảo tồn, tái tạo khoảng 10ha cây nguyên liệu ở vùng trằm cát thôn Cao Ban, Thượng Hoà (xã Phong Hiền).

Theo nhận định của người dân ở những địa phương có cây tràm gió, nếu để khai thác ồ ạt, triệt để và cùng với việc khai phá những vùng đất trằm hoang phục vụ phát triển công nghiệp, trang trại thì chỉ khoảng 1-2 năm tới, những vùng tràm tự nhiên có nguy cơ bị tận diệt.

Nếu hái lá có kỹ thuật, đúng chu kỳ thì không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây tràm. Nhưng vì nhiều người khai thác bừa bãi, nên nhiều địa phương muốn giữ rừng, rú, bảo vệ hệ sinh thái đặc trưng phải cử tổ đội tự quản, dân quân tự vệ của thôn, làng, ngăn chặn những người "ngoại lai" đến khai thác.

Sản xuất tinh dầu tràm đang là hướng phát triển để xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để có được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, không chỉ doanh nghiệp tự chủ động mà chính quyền địa phương cần sớm quy hoạch hình thành vùng cây nguyên liệu. Đến lúc đó, người dân cũng được hưởng lợi thông qua việc trồng, chăm sóc, khai thác hợp lý chứ không đơn thuần chỉ đi cắt hái tự nhiên.

Hoài Thương