Dãy học tầng trệt chính diện Trường tiểu học Trường An xuống cấp nghiêm trọng, nhà trường phải khóa trái cửa, dán thông báo nguy hiểm

Nhìn từ xa vào, Trường tiểu học Trường An khá khang trang bởi diện tích rộng, xung quanh có nhiều cây xanh. Tuy nhiên, khi đi vào ngay dãy phòng học tầng trệt chính diện cổng trường nhiều người sẽ không khỏi giật mình bởi sự xuống cấp nghiêm trọng, đến nỗi nhà trường phải dán thông báo và khóa trái cửa bên ngoài để học sinh tránh xa. Bằng mắt thường có thể thấy rõ những vết nứt chạy dọc trên tường theo các phòng học ăn sâu vào vách, cột trụ chịu lực bị nứt nẻ bung lõi sắt ra bên ngoài, vôi vữa loang lổ, ẩm mốc... Trước đó, để chống chọi trường cho dựng các trụ sắt tròn trợ lực đỡ các trụ bê tông, kéo dài thời gian sử dụng công trình và hạn chế rủi ro cho học sinh mỗi khi qua lại.

Từ nhiều năm nay, việc học và dạy của thầy trò nhà trường luôn trong nơm nớp lo sợ. “Sau một thời gian kéo dài như thế, đầu năm học mới 2018-2019 này, chúng tôi đã quyết định đi thuê phòng học mới cho các em học sinh để đảm bảo an toàn và đã làm các thủ tục liên quan để xin xây dựng lại các phòng học mới”, thầy giáo Lê Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trường An cho hay. Địa điểm nhà trường thuê phòng cách đó chừng vài trăm mét, là trụ sở Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Huế. Ở đây trường thuê 7 phòng học với mức giá có hỗ trợ còn 2 triệu đồng/phòng/tháng (bao gồm chi phí điện, nước, vệ sinh...) để cho gần 500 học sinh 14 lớp thuộc hai khối 4,5 theo học. Việc thuê phòng học mới này tuy có ảnh hưởng đôi chút đến việc đưa đón của phụ huynh cũng như sự di chuyển của một vài giáo viên bộ môn nhưng ai cũng đồng tình bởi chỗ thuê vừa khang trang, đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như sự an toàn cho mỗi học sinh.

Hiện tại, khu vực xuống cấp của trường được xác định gồm 9 phòng học và 1 phòng làm việc của giáo viên. Dãy nhà này có tuổi đời hơn 50 năm tuổi và vào năm 2014 đã được đánh giá hiện trạng cũng như thẩm định mức độ nguy hiểm với kết quả khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng. Trước thực trạng đó, theo ông Sơn, UBND TP. Huế đã có văn bản xử lý thống nhất cho trường tổ chức tháo dỡ khối nhà 1 tầng xuống cấp để đảm bảo an toàn; trước khi tháo dỡ, phải thanh lý tài sản. Sau đó, bàn giao cho Ban quản lý dự án đầu tư TP. Huế tiến hành xây mới khu nhà 3 tầng với 12 phòng học, nhà vệ sinh... đã được phê duyệt trước đó.

Thế nhưng đến thời điểm này trường vẫn chưa được hạ giải. Ông Sơn cho rằng, hiện nay ngay cả phòng làm việc của mình phải nhường lại làm phòng học cho học sinh học nên tận dụng 2/10 phòng xuống cấp để làm nơi làm việc tạm thời. Thầy Lê Thanh Sơn nói: “Làm việc ở khu nhà xuống cấp cũng lo sợ nhưng không còn cách nào khác. Việc hạ giải thật ra đơn giản, nhưng để khi nào thi công trường mới mình hạ giải, chứ bây giờ hạ giải sẽ lộn xộn. Mọi thứ quy hoạch đã sẵn sàng, vấn đề chờ bố trí vốn mà thôi”. Được biết, công trình trường mới sẽ xây dựng ngay sau dãy nhà xuống cấp sau khi đã giải tỏa xong một số hộ dân sống cạnh đó.

Tháng 8 vừa rồi, UBND TP. Huế đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư về việc đề xuất bố trí vốn cho dự án này trong năm 2018. Ông Hoàng Thiện, Trưởng ban Đầu tư và Xây dựng TP. Huế cho biết, dự án đã phê duyệt khá lâu, và hiện tại ban vẫn đang chờ nguồn vốn. “Một khi có nguồn vốn chúng tôi sẽ triển khai xây dựng ngay”, ông Thiện, nói.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH