Cháu Hồ Thị Ước thích được đi học

Là người dân tộc thiểu số, chẳng hiểu vì lý do gì, khi mới hơn 15 tuổi, thần kinh của mẹ Ước có vấn đề sau một cơn sốt. Phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần người làng đồn đại bị “ma bắt” nên chị không được chữa trị. Có lẽ vì thế mà bệnh tình của mẹ Ước ngày càng trở nặng. Sinh Ước xong, mẹ em vẫn tiếp tục lang thang ngoài đường, gia đình ngoại sợ lại có thêm những đứa trẻ không mong đợi ra đời nên đã nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ để gửi mẹ Ước vào Bệnh viện Tâm thần Huế.

Từ khi sinh ra Ước đã sống với cậu ruột (em trai mẹ). Vẫn biết một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhưng từ ngày lập gia đình, rồi có 3 mặt con, cả hai vợ chồng đều làm thuê làm mướn, suốt ngày khi ở nương rẫy, lúc vào rừng sâu, công việc vất vả mà thu nhập không đáng là bao, cái đói cái nghèo đeo đẳng họ quanh năm. Vì cưu mang thêm Ước, vợ chồng cậu không ít lần xảy ra mâu thuẫn.

Hoàn cảnh gia đình khiến Ước ít nói, đến trường chỉ lặng lẽ nhìn bạn bè vui chơi. Cô giáo Đoàn Thị Kim Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuy chậm chạp, nhưng em Ước rất ngoan và đi học chuyên cần. Hôm nào em cũng đến trường thật sớm để nhặt rác, chùi bảng, quét phòng khiến ai thấy cũng thương. Những năm học ở trường, thầy cô giáo ai cũng để dành quần áo, sách vở cũ của con cháu cho Ước để em duy trì việc học. Tuy nhiên, thầy cô giáo vẫn rất lo hoàn cảnh giả đình có thể làm em bỏ học giữa chừng.

Trước hoàn cảnh khó khăn của em Hồ Thị Ước, chúng tôi mong muốn các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm có sự sẻ chia, giúp đỡ để em Ước duy trì việc học.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cô giáo Đoàn Thị Kim Nga, Trường tiểu học A Ngo, thị trấn A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; số điện thoại: 0905878565. Hoặc: Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0914078282; số tài khoản: 4011201000840 tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, Thừa Thiên Huế (ghi hỗ trợ em Hồ Thị Ước, Trường tiểu học A Ngo, A Lưới).

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN