Các đồng đẳng viên trong nhóm MSM sinh hoạt định kỳ
Lo ngại
Mới đây, một cán bộ truyền thông trong hoạt động phòng chống “H” ở địa phương chia sẻ, hiện nhóm nguy cơ lây nhiễm “H” cao nhất thuộc về đối tượng MSM, tiếp đến là nhóm tiêm chích ma túy và phụ nữ bán dâm. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 47 trường hợp nhiễm mới “H”; trong đó, có 8 trường hợp ở MSM, chiếm hơn 17% (riêng quý I/2018 tiến hành tư vấn xét nghiệm “H” tự nguyện 24 trường hợp MSM đã có 3 trường hợp dính “H”). Đây chỉ là con số “bề nổi của tảng băng trôi”.
Lý giải về tình hình gia tăng nhiễm “H” trong giới MSM, anh N.V.H, nhân viên tiếp cận cộng đồng ở Trường ĐH Y dược Huế cho biết có nhiều lý do. Theo anh H. diễn giải, giới MSM có nhiều bạn tình. Một số MSM có quan niệm khi đã “yêu”, đã “thích” thì tin tưởng nhau, ít khi dùng biện pháp bảo vệ. Thậm chí có những MSM giấu thân phận, vừa có quan hệ với một MSM, vừa có vợ nên cũng dễ “mang H” về cho vợ. Còn người vợ không biết chồng là MSM, có quan hệ “ngoài luồng”, không sử dụng biện pháp an toàn tình dục... nên nguy cơ lây nhiễm “H” rất cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Tâm, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC tỉnh, hiện chưa có con số thống kê chính xác nhưng ở địa phương có khá nhiều học sinh, sinh viên là MSM ở các tỉnh về học tập. Khi còn ở quê, các bạn giấu giới tính thật, khi về chốn đô thị “như cá gặp nước”, các bạn tập trung và sinh hoạt với các hội, nhóm MSM. Từ đó, nảy sinh các mối quan hệ tình cảm, quan hệ tình dục. Đa số những đối tượng chưa biết cách bảo vệ phòng ngừa, không có thói quen sử dụng bao cao su, lại quan hệ với nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm “H” rất cao. Chưa kể, một số MSM hiện nay có xu hướng rủ nhau cùng sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục (không sử dụng biện pháp bảo vệ)... Đó là thực trạng không chỉ ở Thừa Thiên Huế.
Tăng cường can thiệp
Trước xu hướng gia tăng nhiễm “H” trong giới MSM, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (nay là Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC tỉnh) triển khai nhiều hoạt động can thiệp, như xây dựng nhóm đồng đẳng viên truyền thông, tư vấn trực tiếp, phát bao cao su, chất bôi trơn, vận động đi xét nghiệm, điều trị ARV… Ngoài ra, với sự hỗ trợ của WHO, Quỹ Toàn cầu, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, khoa đã tập huấn cho các đồng đẳng viên nhóm MSM về tư vấn khách hàng, thu thập thông tin, cung cấp các kiến thức phòng, chống “H”. Khi phát hiện tình trạng nhiễm, các MSM được quan tâm điều trị ARV tại các chuyên khoa phòng, chống “H” địa phương.
Tham gia buổi sinh hoạt truyền thông nhóm MSM mới đây được biết, việc tiếp cận hỗ trợ can thiệp phòng chống “H” của MSM không nhiều vì phần lớn những đối tượng này không muốn lộ danh tính, sợ kỳ thị cộng đồng. Hơn nữa, công tác truyền thông đến MSM chưa nhiều và không đều. Có thời gian không có đồng đẳng viên truyền thông trong giới MSM hoạt động, đặc biệt sau khi nguồn hỗ trợ các chương trình nước ngoài kết thúc. Hiện, toàn tỉnh chỉ có 3 đồng đẳng viên làm “cầu nối” truyền thông đến giới MSM. Họ làm việc chưa có sự ràng buộc trách nhiệm mà chỉ trên tinh thần thiện nguyện nên chưa “đủ lực” chuyển tải các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, giúp MSM tiếp cận các dịch vụ y tế và dự phòng lây nhiễm “H”.
Trao đổi thêm với người có trách nhiệm trong công tác phòng, chống H” của tỉnh, lâu nay vấn đề can thiệp phòng, chống “H” trong giới MSM vô cùng khó khăn vì phần đông họ “rất kín”, ngại lộ thân phận, ngại tiếp xúc. “Để truyền thông can thiệp, dự phòng “H” trong cộng đồng MSM thuận lợi, dễ dàng, vấn đề quan trọng hiện nay là cần một bước tiến mới về mặt chính sách, hỗ trợ thêm nguồn lực và tạo sự quan tâm của cộng đồng xã hội”. Vị này chia sẻ.
Theo kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu xu hướng tình dục và kiến thức, thái độ hành vi phòng chống “H”, nhóm MSM thành phố Huế năm 2015” do Trung tâm Phòng chống “H” Thừa Thiên Huế (nay là Khoa Phòng chống “H”, CDC tỉnh) thực hiện điều tra phỏng vấn 200 MSM theo phương pháp “Hòn tuyết lăn” được Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng (ICCCHR)-Trường ĐH Y dược Huế nghiệm thu cho thấy, toàn tỉnh ước tính có khoảng 500 người. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo năm 2017 của nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm MSM do Khoa Phòng chống “H” quản lý ước tính toàn tỉnh có 500-700 người. Mới đây, CDC tỉnh đề xuất với Cục Phòng chống “H”, Bộ Y tế hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để tiến hành điều tra MSM tại địa phương, nhằm có phương án tối ưu trong việc tiếp cận can thiệp, dự phòng “H” hiệu quả của giới này. |
Bài, ảnh: Minh Huy