Chúng ta cần thay đổi mô hình phát triển kinh tế, trong đó mô hình dựa vào khai thác tự nhiên, dựa vào tài nguyên là nguyên liệu hoá thạch cần phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, nhất là với kinh tế biển phải dựa trên sự bảo đảm hệ sinh thái biển, nhấn mạnh đến phát triển kinh tế biển xanh… là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nhấn mạnh tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khi đề cập về tổng kết thực hiện 10 năm Chiến lược biển Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia biển. Biển có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược, chính trị, kinh tế, tự nhiên đối với nước ta. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, biển mà một phần không thể tách rời lịch sử của dân tộc ta. Theo các nhà khoa học, thế kỷ XXI được xem là thế kỷ của đại dương và thực tế nhiều quốc gia đang hướng mạnh ra biển để phát triển. Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhận thức tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm khai thác các tiềm năng, các lợi thế của biển để phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cách đây hơn 10 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09/NQ/TW, ngày 9/2/2007). Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chiến lược biển đã mang lại sự thay đổi căn bản. Việt Nam chuyển hẳn định hướng trở thành một quốc gia biển, hướng ra biển, coi biển là cửa ngõ, là bậc thềm để Việt Nam vươn ra thế giới.

Với Thừa Thiên Huế, ngoài bờ biển dài 128km còn có hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng hơn 22 nghìn ha - là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, liên quan đến 52 xã thuộc 5 huyện, thị. Để khai thác thế mạnh biển, đầm phá từ năm 2007, Tỉnh ủy khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU và UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 -NQ/TU về phát triển kinh tế biển, đầm phá tỉnh đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (Quyết định 2093/QĐ-UBND). 

Thực tế hơn 10 năm thực hiện chiến lược phá triển kinh tế biển, đầm phá bộ mặt các xã ven biển, đầm phá thay đổi rõ rệt. Tỉnh đã đầu tư tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng du lịch - thủy sản - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp sinh thái. Nhờ vậy, không chỉ hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, xóa cách trở đò giang, mà nhiều làng nghề, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch được đầu tư xây dựng, tạo sinh khí mới cho vùng đất này. Rõ nhất là nghề đánh thủy sản đã có bước phát triển vượt bậc, với đội tàu xa bờ trên 400 đang được tổ chức hoạt động ngày các hiệu quả. Bản thân các ngư dân cũng thay đổi trong nhận thức, chấp hành tốt hơn các quy định về ngư trường đánh bắt, ghi chép nhật ký ngư trường…

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng, tác động trên nhiều mặt đang đặt ra những thách thức, cơ hội mới trong chiến lược phát triển biển của Việt Nam. Đây là vấn đề sẽ được Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, điều chỉnh phù hợp cho chiến lược phát triển biển thời gian tới. Tuy nhiên, một nguyên tắc cốt lõi, xuyên suốt là phải phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển. Bảo vệ biển chính là bảo vệ tương lai của đất nước.

Hoàng Minh