Theo thông tin thị trường những ngày qua, giá cát xây dựng ở đây đã lên đến 300.000 đồng một khối. Trong khi thị trường ở Huế, cùng thời điểm, giá tại mỏ khoảng 120.000 đồng.

Thông thường, các loại hàng hóa đều được điều chỉnh theo qui luật của thị trường. Tức là, khi mặt hàng nào bán chạy, đắt giá, kinh doanh có lời thì ngay lập tức nhiều người nhảy vào cung ứng. Ở đây sẽ diễn ra sự cạnh tranh về giá. Đến một lúc nào đó giá sẽ về “điểm cân bằng”, tức là giá cả hợp lý. Mặt hàng cát có phải vậy?

Từ thực tế sự khan hiếm cát ở một huyện miền núi nói trên, chúng ta thấy ngoài sự điều chỉnh của qui luật thị trường thì ở đây có sự “can thiệp của chính sách”. Cụ thể ở đây là chính quyền địa phương đã có văn bản cấm khai thác cát (dù dưới hình thức tận thu) trên địa bàn. Cát trên địa bàn không được khai thác để cung cấp nhu cầu xây dựng thì buộc phải mua cát từ nơi khác chở đến. Chưa nói sự nâng giá do khan hiếm, chỉ riêng chi phí vận chuyện đã làm giá đội lên rất nhiều. Sự “thiệt thòi” ở đây là người dân sử dụng.

Ở đây chưa bàn chuyện đúng - sai của chính sách mà chỉ muốn nói rằng, mọi chính sách đều hướng đến giải quyết tốt hơn sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người dân. Chính sách ở đây đã không tác động tích cực đến nhu cầu của người dân, cụ thể là cát xây dựng. Cát sạn là những loại vật liệu cấu thành công trình. Một khi nó tăng giá đột biến thì sẽ làm đội vốn công trình. Ở đây là một huyện miền núi, mặt bằng đời sống của người dân còn thấp. Có khi họ phải dành dụm rất nhiều năm để xây dựng được một cái nhà. Nếu vì sự khan hiếm mà đẩy giá lên quá cao do “tác động của chính sách” thì chính quyền (có thẩm quyền) cũng nên xem xét tháo gỡ.

Nếu như nguồn tài nguyên cát, sạn xây dựng trên địa bàn còn dồi dào thì có thể cho khai thác để đáp ứng trước mắt nhu cầu xây dựng trên địa bàn; sau đó phải làm tốt công tác qui hoạch, quản lý khai thác để tránh thất thoát nguồn tài nguyên, vừa bảo vệ được môi trường, vừa thu được thuế cho nguồn nhân sách Nhà nước.

Nếu sau khi qui hoạch, cho phép khai thác thì cũng nên lưu ý một số vấn đề: một khi nguồn tài nguyên đã trở nên khan hiếm thì rất dễ dẫn đến “sự cấu kết chính sách” giữa một bên là người có trách nhiệm cho phép khai thác và một bên là người khai thác (ở đây có thể là doanh nghiệp). Để tránh tình trạng này, ngoài việc lựa chọn các đơn vị có đủ điều kiện và năng lực để cho phép khai thác thì phải đưa ra đấu thầu công khai với những điều kiện đáp ứng tốt nhất cho các mặt: nguồn thu ngân sách, bảo vệ môi trường và có thể là cả mặt bằng giá cả. Để tránh tình trạng khi anh đã được phép khai thác thì sẽ độc quyền về giá, làm thiệt hại cho người tiêu dùng; cũng là để tránh tình trạng “bắt tay” giữa bên quản lý và bên khai thác làm thất thoát tài nguyên và ngân sách.

Một khi nó đã khan hiếm thì phải tăng cường công tác quản lý. Bởi đây chính là một điều kiện "kích thích” việc khai thác trộm, khai thác lậu. Ngoài ngành chức năng có thể giao trách nhiệm quản lý về các địa phương. Các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trộm thì phải chịu một trách nhiệm nào đó. Đồng thời đó là huy động sự giám sát của Nhân dân.

Lê Nguyễn