Cụ thể, Singapore đứng đầu bảng, theo sau đó là Malaysia ở vị thứ 41; Thái Lan (61); Brunei (58); Việt Nam (91); Philippines (101); Indonesia (109); Campuchia (123); Lào (159) và Myanmar (160).

ASEAN cần nỗ lực để xóa bỏ khoảng cách số, hướng đến phát triển thịnh vượng trong tương lai. Ảnh: The ASEAN Post

Có thể nói kết nối Internet là yêu cầu cơ bản để tham gia vào nền kinh tế số. Từ cái nhìn của người tiêu dùng, chỉ cần cung cấp kết nối Internet cố định hoặc dữ liệu di động là đủ. Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp, để phát triển hơn nữa cần có hệ thống kết nối Internet băng thông rộng cố định, vì dữ liệu di động là quá đắt tiền và hoạt động quá chậm. Về lâu dài sẽ làm chậm quá trình thâm nhập Internet (Internet penetration).

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khả năng thâm nhập Internet của một số quốc gia như Brunei, Malaysia và Singapore được ghi nhận là khá cao. Song đối với một số quốc gia kém phát triển hơn như Campuchia, Indonesia, Lào và Myanmar, có đến 70% dân số chưa được tiếp cận với Internet.

Được biết, băng thông rộng cố định không chỉ hỗ trợ tăng tốc độ truy cập Internet, mà còn cho phép các doanh nghiệp sử dụng tốt hơn dịch vụ phát video trực tuyến, cũng như tăng cường chất lượng quản lý chuỗi cung ứng với điện toán đám mây và cho phép chính phủ phối hợp hoạt động cùng các đại lý, chi nhánh của mình. Phát biểu tại một diễn đàn ở Penang, Malaysia, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Richard Record khẳng định: “Nếu không có băng thông rộng tốc độ cao, các sáng kiến đổi mới như trí thông minh nhân tạo (Al), Internet vạn vật (IoT) và công nghiệp 4.0 sẽ không thể phát huy hiệu quả”.

Thách thức

Đến nay, việc tiếp nhận Internet băng thông rộng tốc độ cao ở các nước ASEAN vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là bị cản trở bởi giá thành cao. Trong số 6 nền kinh tế phát triển mạnh nhất ASEAN, Singapore là quốc gia có chi phí Internet tốc độ cao rẻ nhất, vào khoảng 0,05USD/Mbit/tháng. Theo sau đó là Thái Lan (0,42 USD); Việt Nam (2,41 USD), Philippines (2,62 USD) và Malaysia (3,16 USD).

Các hạn chế còn tồn tại cũng làm này sinh nguy cơ nới rộng khoảng cách số giữa các quốc gia, nơi các công ty lớn chi phối các doanh nghiệp nhỏ thiếu khả năng chuyển đối kỹ thuật số. Về lâu dài có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của mỗi quốc gia khi nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế kỹ thuật số trở thành động cơ tăng trưởng....

Được chỉ ra trong Báo cáo phát triển thế giới năm 2016 (WDR) của WB, những thách thức trong khoảng cách số không chỉ xuất hiện trong hệ thống cơ sở hạ tầng Internet mà còn trong tiến trình áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Thêm vào đó, châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng là khu vực chịu ảnh hưởng đặc biệt của khoảng cách số do tính dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu, thiên tai. Hậu quả dễ dàng nhìn thấy là động đất, bão, lụt, đã phá hủy hệ thống cáp ngầm và làm đứt quãng quá trình truy cập Internet của người dân sinh sống tại các khu vực và thành phố đông dân ven biển.

Nhìn chung, các thách thức cần được tập trung giải quyết triệt để, khoảng cách số giữa các nước thành viên ASEAN cần được thu hẹp nếu khu vực ASEAN mong muốn gặt hái lợi ích từ công nghệ.

Chìa khóa phát triển

Mặc dù khó có thể cạnh tranh với những quốc gia có dịch vụ công nghệ thông tin hiện đại như Trung Quốc, Ấn Độ, song nhận thấy được tiềm năng phát triển tại thị trường có kết nối nhanh, rẻ nhất khu vực, đến tháng 3/2018, Malaysia đã thu hút khoảng 61 công ty đầu tư mạo hiểm đến hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp mới thành lập. Cùng lúc đó, số lượng công ty đầu tư mạo hiểm chọn Singapore đạt đến 593. Trả lời báo giới, các nhà đầu tư tin tưởng nhiều doanh nghiệp chọn Singapore để phát triển là do nước này có nhiều chính sách bảo vệ và thu hút doanh nghiệp nước ngoài hấp dẫn.

Trước khoảng cách số chênh lệch lớn giữa các quốc gia, IMF đã thông qua 5 ưu tiên chính để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Cụ thể, kết nối Internet phải được lắp đặt phổ quát với giá cả phải chăng, môi trường kinh doanh phải khuyến khích cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới. Ngoài ra, hệ thống giáo dục phải được xây dựng phù hợp với năng lực, kỹ năng của người lao động để đáp ứng nhu cầu của tương lai kỹ thuật số. Cùng với đó, các quốc gia cần xây dựng khung pháp lý phù hợp để cải thiện tài chính toàn diện với sự có mặt của công nghệ và tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến Fintech.

Nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu là một nền kinh tế liên tục biến đổi. Do đó, ASEAN cần nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ khoảng cách số và nâng cao vai trò, xác định chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, tờ The Straits Times dẫn lời nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore Sanchita Basu Das cho hay.

HẠNH NHI

(Tổng hợp từ The ASEAN Post, The Straits Times & The Diplomat)