Các diễn giả trao đổi tại Hội nghị Công nghiệp Xanh lần thứ 5 tại Bangkok. Ảnh: AP

Được chủ trì bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO) và Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công nghiệp Thái Lan, hội nghị 3 ngày lần này sẽ tìm hiểu cách thức mà ngành công nghiệp xanh có thể tạo ra việc làm và các cơ hội kinh tế để đa dạng hóa nền kinh tế, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên và hạn chế ô nhiễm.

Phát biểu trong hội nghị, ông Hongjoo Hahm - cán bộ phụ trách ESCAP nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi các chỉ số SDG thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về mặt kinh tế và xã hội, nhưng lại kém hiệu quả đối với các mục tiêu về môi trường.

"Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức môi trường, để đáp ứng các biện pháp giảm thiểu, và để làm cho cuộc sống trên mặt đất, ở dưới nước, và trong tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn", ông Hahm nói, đồng thời cho rằng, “châu Á vẫn sẽ phát triển. Chúng ta vẫn sẽ đạt được các mục tiêu xã hội. Nhưng thực phẩm, nước, năng lượng không chỉ là một sự lựa chọn mà đó là điều thiết yếu. Giải pháp cho các vấn đề này là hợp tác khu vực, và mục tiêu theo đuổi một nền kinh tế tuần hoàn phải được thúc đẩy trong giai đoạn tiếp theo của mô hình tăng trưởng kinh tế các nước”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan Uttama Savanayana cũng nhấn mạnh rằng, Thái Lan luôn giành ưu tiên cao nhất cho phát triển bền vững. Ông cho biết chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa các nguyên tắc này vào thực tiễn và rất chú trọng một số dự án và chương trình công nghiệp xanh hiện đang được triển khai, bao gồm khai thác xanh, thiết kế sinh thái hiệu quả và tiêu chuẩn sinh thái.

Số liệu từ UNIDO cho thấy, hội nghị năm nay quy tụ hơn 400 đại biểu tham gia, bao gồm các quan chức chính phủ cấp cao, đại diện của khu vực tư nhân, hiệp hội ngành, học viện và xã hội dân sự để thảo luận về việc làm thế nào để công nghiệp xanh có thể giúp các quốc gia đạt được nhiều mục tiêu phát triển trong Chương trình nghị sự 2030. Các diễn giả từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia vào các chủ đề: chính sách công nghiệp xanh, quản lý tài nguyên và nền kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp xanh và chuỗi cung ứng, công nghệ sạch và mô hình kinh doanh sáng tạo, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp xanh trong tương lai.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009, Hội nghị Công nghiệp Xanh là hội nghị toàn cầu hàng đầu về các xu hướng và thực tiễn của ngành công nghiệp xanh. Hội nghị được tổ chức 2 năm/lần bởi UNIDO và các tổ chức đối tác. Mục tiêu của Hội nghị là thiết kế các chính sách, phương pháp và kỹ thuật của ngành công nghiệp xanh trên quy mô lớn trong các ngành công nghiệp đang phát triển và kinh tế chuyển tiếp.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The Devdiscourse & UNIDO)