Trồng rau trên giàn để thích ứng với BĐKH, mưa lũ

Điều này tuy có lợi cho một số ngành như du lịch, xây dựng..., song không khỏi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp như gây phát sinh chuột bọ, sâu rầy, ảnh hưởng năng suất, sản lượng nông sản, vật nuôi.

Theo kịch bản BĐKH của tỉnh do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố, đến năm 2020, so với thời kỳ trước năm 2000, nhiệt độ trung bình tăng 0,50C, lượng mưa tăng 1,4%; nước biển sẽ dâng 8-9 cm, diện tích bị ngập gần 3.000 m2. Riêng BĐKH do nước biển dâng sẽ tác động đến các công trình xây dựng: hệ thống đê điều, giao thông, cảng cá, nhà cửa, sinh kế của người dân ven biển, ven sông... Trong khi đó, có hơn 70% người dân đang sống bằng nghề nông và các nghề liên quan đến nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên nước.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, trong những năm qua, thói quen sinh hoạt, cách sống chủ yếu dựa vào ưu đãi của thiên nhiên của người dân đang dần thay đổi. Đã có những sáng kiến, cải tạo để chống chọi và thích ứng với BĐKH kể cả trong sinh hoạt và khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, chú trọng tái tạo, phục hồi tài nguyên rừng để thế hệ con cháu được hưởng thụ... thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), người dân, chính quyền địa phương đã áp dụng vào thực tiễn nhiều mô hình hay như: trồng rau trên giàn, nuôi trồng thủy sản xen canh, bón phân hữu cơ sinh học làm từ bèo, rơm rạ thay cho phân hóa học, ứng dụng trồng giống lúa chịu mặn, trồng rừng ngập mặn ven biển để chắn sóng, gió, ngăn mặn thâm nhập, xây hầm biogas trong chăn nuôi, phân loại rác, hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng điện từ giàn năng lượng mặt trời... và hợp tác thực hiện các dự án: bảo tồn cửa sông Ô Lâu, hành lang bảo tồn ĐDSH tiểu vùng sông Mê Công (BCC)... Để giảm thiểu rủi ro thiên tai, các hồ đập được vận hành hợp lý ứng phó trước mưa lũ, thu hoạch tránh lũ, di dân và tích trữ lương thực lánh nạn mùa lũ, xây nhà ở thích ứng với bão lũ và nước biển dâng...

Điểm nổi bật trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh những năm gần đây chính là công tác dự báo, sự chuẩn bị đối phó, phòng tránh được nâng lên rất nhiều và đem lại hiệu quả đáng kể. Công tác diễn tập phòng, chống lụt bão; tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng các địa phương được chuẩn bị chu đáo, không chủ quan, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành. Các phương tiện truyền thông đã tích cực truyền bá những kinh nghiệm phòng bị, thích ứng với thiên tai, BĐKH; đồng thời cổ vũ, động viên cho cộng đồng trong trường hợp gặp thiên tai xảy ra để có thái độ, cách sống lạc quan.

Các giải pháp công trình cũng được chú trọng đầu tư thực hiện như xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, kè chống sạt lở các bờ sông, đê ven phá Tam Giang, các tuyến đường cứu hộ cứu nạn, đê chắn sóng... Quan trọng nhất là tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Thừa Thiên Huế với 9 hồ được triển khai thi công, gồm: Phú Bài 2, Tà Rinh, Cừa, Phụ Nữ, Ba Cửa, Ka Tư, Cây Cơi, Khe Rưng và Nam Lăng. Các công trình này dự kiến hoàn thành đi vào sử dụng vào năm 2022, đảm bảo điều tiết lũ tốt và an toàn, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Hoài Nguyên