Người dân đi bộ qua một khu vực bị ngập nước của thành phố Houston, Mỹ. Ảnh: AFP

Những thành phố như Jakarta (Indonesia), nơi chìm xuống 25cm mỗi năm, Bangkok (Thái Lan), Houston (Mỹ) và Thượng Hải (Trung Quốc) đối mặt với nguy cơ bị ngập trong vòng nhiều thập kỷ, khi việc quy hoạch kém, siêu bão và thủy triều cao hơn gây ra sự tàn phá nghiêm trọng.

Tổ chức từ thiện Christian Aid có trụ sở tại thủ đô London (Anh) đã nghiên cứu 8 thành phố ven biển trên khắp thế giới, những nơi đang bị chìm xuống, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng do mực nước biển dâng cao gây ra cho người dân.

"Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ được chứng kiến trên toàn thế giới. Khi bạn nhìn vào mùa hè năm nay, bắc bán cầu đã trở nên rất ấm, đây là điều rất bất thường", bà Kat Kramer, người đứng đầu về khí hậu toàn cầu tại Christian Aid nói với hãng thông tấn AFP.

Cũng theo bà Kat Kramer, nhiều thành phố lớn trên thế giới rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, đó là lý do tại sao họ cần được hỗ trợ để thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh vào tuần tới, Liên Hiệp quốc (LHQ) sẽ phát hành một báo cáo quan trọng, dự kiến ​​sẽ thúc giục các Chính phủ tăng cường mạnh mẽ nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu.

Tổ chức từ thiện Christian Aid lưu ý, Jakarta, Bangkok, Lagos, Manila, Dhaka, Thượng Hải, Houston và London, nơi sinh sống của tổng cộng 100 triệu người, là những khu vực đặc biệt có nguy cơ; đồng thời nêu bật một loạt các yếu tố địa phương gây ra tình trạng chìm xuống của các thành phố, phần lớn là do nhân tạo.

Cụ thể, tại Jakarta, một thành phố có 10 triệu người, nằm trên hợp lưu của 13 con sông. 1/2 dân số thiếu khả năng tiếp cận với nước máy, vì vậy nhiều người đào giếng bất hợp pháp để lấy nước ngầm. Điều này gây ra áp lực lớn hơn lên đất.

Trong khi đó ở Houston, những nỗ lực để cung cấp nước uống cho dân số ngày càng tăng cũng đã khiến đất bị chìm, tác động thậm chí trở nên tồi tệ hơn do mực nước biển dâng và nước dâng do bão.

Bà Kat Kramer nhận định, cơ sở hạ tầng lớn như tường chắn sóng hoặc Đập sông Thames của London có thể giúp giảm thiểu các thiệt hại, song cũng thúc giục Chính phủ các quốc gia bảo vệ khả năng phòng vệ riêng có của tự nhiên.

"Có nhiều cách mà các biện pháp tự nhiên có thể giúp ích, nếu chúng còn nguyên vẹn”, bà Kat Kramer nhấn mạnh.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)