Trong muôn ngàn sắc hoa ở chợ hoa Phu Vân Lâu, có một cây hoa đứng cao hơn tất cả và mang một màu sắc rực rỡ, đó là cây hoa giấy của làng Thanh Tiên. Những sắc màu rực rỡ của cành hoa giấy gợi nhớ về một màu tết cổ truyền của Huế, như làm dịu đi những cơn gió lạnh đang từng đợt từ sông Hương thổi lên. Rét buốt.

Ngắm cây hoa giấy Thanh Tiên, bỗng nhận ra sự giàu có trong tâm hồn của người Huế. Mỗi cành hoa đều có 5 màu, màu nào cũng rực rỡ, ngập tràn sức sống. Trong năm màu ấy, ba màu tím, xanh lá cây và vàng như phản ánh nếp sống, tư duy của con người. Màu tím là điểm của tâm hồn. Màu xanh là điểm của vũ trụ. Màu vàng là điểm của đất.


Hoa giấy Thanh Tiên có 5 màu, màu nào cũng rực rỡ, ngập tràn sức sống. Ảnh: Võ Nhân

Có thể nói người Huế đã cảm được cái tiểu ngã của mỗi cá nhân và đại ngã của thiên nhiên, của vũ trụ. Cái tết ở Huế như để con người trở về lại với tổ tiên, để chiêm nghiệm…

Người Huế vốn nổi tiếng về sự trầm lắng nhưng trong cuộc sống thì lại luôn chọn lựa những màu mạnh mẽ. Theo TS Thái Kim Lan, “Khi nói về người Huế, người ta thường nói đến sự mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa nước mắt và tiếng cười, mâu thuẫn giữa mưa lạnh đến “nhức xương” và nắng đến độ muốn “tan chảy”. Huế trầm tư nhưng khi nói về đời sống thì Huế vẫn lạc quan. Người Huế không lấy mình để diễn tả thiên nhiên, mà người Huế còn biết nhặt hoa của đất trời, thu nhận màu sắc của đất trời với một tầng rung cảm đặc biệt, đó là tinh thần lạc quan”.

Cho nên, dù ngoài trời mưa như thế nào thì trên bàn thờ của người Huế vào ngày tết vẫn rực rỡ sắc hoa. Rồi các loại bánh trái cúng ông bà cũng được gói bằng giấy ngũ sắc. Dù có bất tiện về thời tiết, dù có còn vất vả như thế nào, người Huế vẫn tìm thấy sự lạc quan của mình. Sự lạc quan ấy cho thấy suy nghĩ của người Huế về cuộc đời, rằng dù thế nào đi nữa thì đời sống vẫn luôn tiếp tục, dòng đời vẫn chảy về phía trước.

Cũng như hoa mai kia, hoa cúc kia, dầu trời sương sa giá buốt, vẫn cố dâng cho đời những nụ vàng tươi trong miên man mưa Huế.

Xuân An - Ảnh Võ Nhân