Trong thời kỳ từ năm 1951 đến 1969, Bác Hồ là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau khi Bác đi xa, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ Nhất. Từ đó đến nay, các chức danh này được tách biệt giữa Đảng và chính quyền theo mô hình chung của khối XHCN. Cũng trong giai đoạn đó, trong hệ thống chính trị Việt Nam có ba đảng đồng thời tồn tại: Đảng Cộng sản (lúc đó tên gọi là Đảng Lao động), Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ. Tuy 3 đảng có cương lĩnh riêng nhưng đều cùng mục tiêu chung trong xây dựng Nhà nước Việt Nam. Những nhà lãnh đạo Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ đều tham gia bộ máy lãnh đạo nhà nước, có đồng chí là Phó Chủ tịch Quốc hội, một số là Bộ trưởng trong bộ máy chính quyền. Đến năm 1988, vào thời điểm chính trị thế giới có những biến động phức tạp nên 2 đảng Xã hội và Dân chủ phải tự giải thể.

Trên thế giới có rất nhiều nước các chức danh của nhà nước, chính phủ được gắn với đảng cầm quyền. Những nước đa đảng theo chế độ đại nghị thì đảng nào giành được nhiều ghế trong quốc hội có quyền hoặc đương nhiên thành lập chính phủ. Người đứng đầu đảng đó hoặc người được suy tôn của đảng sẽ là tổng thống hoặc thủ tướng.

Mới đây, Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản thắng cử, Chủ tịch đảng là ông Shinzo Abe đương nhiên làm Thủ tướng. Tương tự như vậy, với Australia và nhiều nước khác gần đây cũng đã áp dụng mô hình này. Những nước chỉ có một đảng cầm quyền thì người được bầu giữ chức vụ cao nhất sẽ trở thành nguyên thủ (tổng thống hoặc thủ tướng). Nguyên tắc này được quy định trong hiến pháp và cương lĩnh điều lệ của mỗi đảng ở từng nước. Ở nhiều nước có một đảng, qua nhiều năm tách biệt riêng chức vụ người đứng đầu của đảng, nhà nước thì những năm gần đây cũng đã hợp nhất và trở thành nguyên thủ quốc gia (Trung Quốc, Lào, Triều Tiên…).

Hợp nhất 2 chức danh cao nhất ở nước  ta không phải là mới và đã từng có tiền lệ từ gần 50 năm trước. Về chủ trương sáp nhập cũng đã được Đảng ta đặt ra từ Hội nghị TW7 (khóa VIII) năm 1999. Trong Nghị quyết TW 6 (khóa XII) cũng nêu rõ: Chủ động hợp nhất các chức danh nhằm làm tinh gọn bộ máy, giảm chi cho ngân sách. Tuy nhiên, điều kiện chúng ta bầu các chức danh cao nhất của Đảng và chính quyền mới hơn 2 năm, nếu làm ngay sẽ xáo trộn bộ máy không cần thiết. Đến lúc này là điều kiện khách quan chín muồi để chúng ta quyết định thực hiện. Trong các mối quan hệ quốc tế đan xen, thể chế chính trị có nhiều thay đổi bất lợi, chúng ta xác định là bạn với nhiều quốc gia trên thế giới thì không thể đứng ngoài nguyên tắc thông thường trong quan hệ ngoại giao. Đó vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật nhưng đồng thời đảm bảo vị thế của Nhà nước, của lãnh đạo cao cấp nước ta trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Không thực hiện vấn đề này sẽ tự làm khó khi đưa vai trò vị trí của Đảng ra ngoại giao quốc tế. Xác định cho thế giới hiểu được 2 thể chế Đảng và Nhà nước là một, không thể tách rời, đó là đặc thù của Việt Nam.

Sau khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức danh Chủ tịch nước được đưa ra, về cơ bản nhận được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó cũng có nhiều dư luận băn khoăn và một số luận điệu chống đối, xuyên tạc của những đối tượng khác. Số chống đối xuyên tạc cho rằng, lãnh đạo cấp cao “ôm” nhiều chức danh sinh ra độc đoán, độc quyền, lạm dụng cho lợi ích nhóm.... Cần phải biết rằng, độc quyền không phải giữ nhiều chức danh (kể cả các chức danh cao nhất). Dù là Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước cũng đã có Điều lệ Đảng, Hiến pháp và các luật chế định. 

Đây là thời điểm thuận lợi cho hợp nhất 2 chức danh và sẽ trở thành tiền lệ, đưa vào quy định tiếp theo cho hàng ngũ lãnh đạo kế tiếp, cho tương lai sau này. Hơn nữa, gần đây, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản mang tính tài phán cao, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong chống tham nhũng thì dù có giữ nhiều chức cao cũng không thể lạm quyền. Hội nghị TW8 (khóa XII) quy định lãnh đạo cao nhất kể cả Ủy viên Bộ Chính trị,  Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCHTW Đảng nếu có sai phải tự xin từ chức. Đây là điểm mới mà lâu nay Đảng ta nói nhiều nhưng chưa có văn bản quy định. 

Hợp nhất chức danh cao nhất của Đảng và Nhà nước là mô hình không mới của Việt Nam và quốc tế. Đến nay chúng ta mới thực hiện trở lại tuy có chậm nhưng không thể để chậm hơn nữa. Đó cũng là tất yếu khách quan trong bối cảnh hiện nay.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH