Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang tác động đến nhiều lĩnh vực tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đạt được một số thành tựu mới, góp phần tạo tiền đề cho việc phát triển rộng rãi những ứng dụng của nền Công nghiệp 4.0 đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đơn giản hóa cách nhìn nhận về CMCN 4.0, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói rằng, nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là khi con người có thể số hóa được gần như tất cả mọi thứ. Việc số hóa sẽ gán cho hầu như tất cả các sự vật, hiện tượng cụ thể để tạo nên nguồn tài nguyên số cho mỗi quốc gia.

Trên cơ sở tài nguyên số phong phú, CMCN 4.0 sẽ giúp kết nối các hiện tượng, vật chất lại với nhau và trở thành các linh hồn số. Các cơ quan, doanh nghiệp giao tiếp với nhau trên nền số hóa, với hàng triệu hoạt động diễn ra cũng lúc. Khi đó, công nghệ giúp con người sống với thực tại nhưng những gì diễn ra xung quanh nhanh hơn và năng suất lao động sẽ tăng hơn hàng trăm lần.

Các diễn giả thông tin về Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư

Tuy nhiên, để đạt được thành công này, theo TS. Thành, các quốc gia cần số hóa được tất cả mọi thứ và có hệ thống quản lý nguồn tài nguyên thông tin đó. Rất cần xây dựng hệ thống luật pháp vững chắc cho vấn đề này, bởi khi nguồn tài nguyên số bị xâm phạm sẽ gây ra sự nguy hiểm hết sức lớn, khi các đối tượng muốn thực hiện các ý đồ riêng gây hỗn loạn và khủng hoảng.

“Khi mọi thứ đều trở nên tốt đẹp lên mà không được kiểm soát thì tội ác phát sinh sẽ hết sức kinh khủng. Do đó, luật pháp cho cuộc cách mạng này phải là 4.0 hoặc 5.0 và đòi hỏi cả quá trình giáo dục và tích lũy nhận thức, nếu không muốn cuộc cách mạng này thống trị, chế ngự và mỗi quốc gia trở thành nạn nhân của nó. Mặt khác, nếu không kiểm soát tốt, những người thực sự có thể tiếp cận với CMCN 4.0 sẽ thực sự đi sang xã hội 4.0 hay còn gọi là hiện tượng “chảy máu chất xám”, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý.

Thay đổi nhận thức để bắt kịp xu thế

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, để bắt kịp với CMCN 4.0, mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần bắt kịp xu thế của thời đại, nhất là khi công nghệ thay đổi. Việt Nam muốn vượt lên, cần có cách tiếp cận ngay cơ hội, bởi nếu không nhìn thấy công nghệ, không thay đổi, sẽ mãi đi sau các quốc gia phát triển. Khi bắt kịp công nghệ mới, các doanh nghiệp trong nước mới có thể thay đổi nhanh chóng.

Cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chính là sự cản trở rất lớn cho việc tiếp cận và triển khai CMCN 4.0 tại Việt Nam, ông Bảo nhận xét: Việt Nam vẫn là quốc gia nói về CMCN 4.0 nhiều nhất thế giới, nhưng lại đang “vướng” thủ tục nhiều hơn là nguồn lực, nhất là khi vẫn còn hiện hữu cách tư duy 0.4 trong tiếp cận, triển khai quản lý CMCN 4.0.

Nhận thấy Việt Nam tiếp cận CMCN 4.0 hơi chậm và mới chỉ là những bước đi đầu tiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT đánh giá, Việt Nam đã kịp nhận ra và đã có những sản phẩm CMCN 4.0 của mình và bắt đầu có tín hiệu cạnh tranh. Theo ông Bảo, để bắt kịp nhanh hơn CMCN 4.0, mỗi quốc gia phải tìm ra những lợi thế bản địa, hiểu rõ thị trường của mình hơn ai hết và để cho ra những sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu để không cho các hãng sản xuất nước ngoài có cơ hội xâm nhập và nhanh chân chiếm lĩnh thị trường.

“Đúng là khi CMCN 4.0 ra đời, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao, nhưng khi máy móc giúp năng suất lao động tăng lên, của cải dư thừa con người sẽ không phải làm việc nhiều. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn sẽ có nguy cơ khi nhà máy thông minh hình thành và người máy hầu như thay thế toàn bộ nhân lực con người. Đó chính là nguy cơ trong việc thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài”, ông Bảo nói.

Với cách nhìn lạc quan về CMCN 4.0, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, không nên quá lo ngại vì máy móc chỉ giúp được con người tăng năng suất lao động mà không thể thay thế con người. Chính máy móc sẽ giúp cho quan hệ giữa con người với con người thay đổi bởi ai sở hữu nhiều tri thức, nhiều công nghệ và phương tiện sẽ xử lý được nhiều giá trị của cải vật chất hơn. “Loài người không dễ bị diệt vong bởi chính những sáng tạo của mình. Việc có khoa học kỹ thuật, công nghệ máy móc trợ giúp từ xưa đến nay vẫn chỉ giúp cho con người tốt hơn lên”, TS Thành chỉ rõ.

Đưa ra lời khuyên đối với những người trẻ hiện nay khi bước vào CMCN 4.0, ông Đỗ Cao Bảo nói rằng, khi các sản phẩm, máy móc thiết bị hay các giải pháp, các mô hình kinh doanh mới vượt trội sẽ tác động rộng khắp đền nhiều đối tượng. Nếu như những cá nhân có ý tưởng kinh doanh phải đón trước những thay đổi đó để có thể phát triển kinh doanh tốt hơn, tạo ra nhiều thị trường, nhiều khách hàng hơn. “Mỗi người cần hiểu cách mạng 4.0 là gì, tác động đến ngành nghề nào để tham dự vào CMCN 4.0 hoặc trực tiếp kinh doanh hoặc sử dụng chính thành quả công nghệ do CMCN 4.0 mang lại”, ông Bảo khuyến cáo.

Theo VOV