Có thể khẳng định, đây là công việc phải thực hiện, nhằm từng bước trả lại nguyên trạng cho Kinh thành Huế, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; đồng thời góp phần tăng thêm giá trị của di tích, mỹ quan đô thị và đảm bảo đời sống ổn định cho người dân hiện đang sống tạm bợ trong vùng di tích.
Điều băn khoăn nhất có lẽ là số lượng di dời giải tỏa các hộ dân quá lớn, với hơn 4.200 hộ.
Để di dời, giải tỏa các hộ dân, đòi hỏi một quỹ đất tái định cư và nguồn kinh phí rất lớn. Dự án dự kiến sẽ phân thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2019 đến năm 2021 sẽ di dời hơn 2.900 hộ. Giai đoạn 2, từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ di dời hơn 1.200 hộ. Kinh phí cũng đã được tính toán. Theo đó, tổng kinh phí cho việc di dời, giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng; kinh phí cho hạ tầng tái định cư với quy mô 105 ha khoảng 1.362 tỷ đồng...
Điều vui mừng là việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là, cùng với quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Chính phủ. Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về buổi làm việc với tỉnh đã khẳng định: Di sản Cố đô Huế là tài sản quý giá của quốc gia, việc giữ gìn và bảo tồn là trách nhiệm chung của cả nước. Tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ trong phạm vi khu vực 1 di tích Huế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phù hợp...
Cùng với cơ chế, chính sách, điều không kém phần quan trọng quyết định đến tiến độ, thành công của dự án là sự đồng tình của người dân trong diện di dời, giải tỏa. Muốn đạt, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các tổ dân phố trong việc tuyên truyền, vận động; áp giá đền bù, cũng như tạo sinh kế cho người dân sau khi tái định cư...một cách hợp tình, hợp lý.
Đây không phải là lần đầu, việc giải tỏa để chỉnh trang, từng bước trả lại nguyên trạng cho Kinh thành Huế mới được triển khai mà đã thực hiện tại nhiều công trình trước đó. Đơn cử như việc chỉnh trang sông Ngự Hà, được thực hiện từ trước năm 2000, với gần 400 hộ phải di dời, giải tỏa. Tuy có gặp một số khó khăn ban đầu song, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của thành phố và chính quyền các địa phương, công tác di dời, giải phóng mặt bằng càng về sau càng thuận lợi. Sau khi đã có mặt bằng, các đơn vị thi công đã tiến hành nạo vét, gia cố lại bờ kè, xây dựng đường giao thông chạy dọc hai bên dòng sông, trồng cây xanh…giờ đây, sông Ngự Hà đã phát huy giá trị, trở thành một trong điểm nhấn của Kinh thành Huế.
Việc giải tỏa thành công các hộ dân đang sống tạm bợ trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, không chỉ trả lại nguyên trạng cho di tích, góp phần làm tăng giá trị cho di tích mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển du lịch.
Đặng Thành