Theo đơn, một số giấy tờ liên quan và trình bày của anh C: Vào năm 2004, cha mẹ của anh C. cùng lập một bản di chúc chung, nội dung để lại tài sản cho anh C., được UBND xã Phú Thượng chứng thực. Sau khi người cha mất, anh C. mới phát hiện năm sinh của cha và mẹ ghi trong bản di chúc đều sai so với những giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan còn lưu lại. Như bản sao giấy khai sinh của anh C., giấy chứng tử người cha, sổ nhận lương hưu của người cha... đều thể hiện cha anh C. sinh năm 1924, nhưng tại di chúc lại ghi sinh năm 1921.

Anh C. và người mẹ có đơn đề nghị UBND xã Phú Thượng xác nhận tuy 2 năm sinh nhưng là 1 người. Lý do: khai nhầm thông tin năm sinh. Mẹ anh C. còn sống nên việc điều chỉnh được thực hiện đơn giản hơn. Riêng đối với trường hợp cha của anh C., cán bộ tư pháp UBND xã hướng dẫn anh C. đến Công an huyện Phú Vang thực hiện. Tuy nhiên, sau khi C ông an huyện có xác nhận, UBND xã vẫn không “chấp nhận”. Anh C. không biết phải thực hiện các thủ tục pháp lý như thế nào và cơ quan nào giải quyết sự việc nêu trên.

Bà Nguyễn Thị Hà, cán bộ tư pháp xã Phú Thượng cho biết: UBND xã không có chức năng, quyền hạn xác nhận người có 2 năm sinh là một người, nên đã hướng dẫn anh C. đến Công an huyện Phú Vang. Sau đó, Công an huyện Phú Vang có nội dung xác nhận. Nhưng để đảm bảo thận trọng, chính xác, cán bộ tư pháp xã phải tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn cấp trên là Sở Tư pháp. UBND xã vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, giải quyết cho công dân.

Theo bà Phan Thùy Dương, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp: Trong trường hợp sự nhầm lẫn do các bộ UBND xã đánh máy nhầm, và hiện cha của anh C. đã mất, nếu yêu cầu điều chỉnh lại năm sinh ghi trong di chúc từ 1921 thành 1924, thì anh C. phải xuất trình chứng cứ là 1 trong những loại giấy tờ sau: chứng minh nhân dân của người cha hoặc sổ hộ khẩu có tên, thông tin người cha hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản, tại thời điểm lập di chúc, thể hiện năm sinh 1924 (vì khi lập di chúc, người lập phải xuất trình giấy tờ tùy thân và cung cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản). Hoặc nếu UBND xã còn lưu hồ sơ chứng thực (trường hợp này không bắt buộc phải lưu), mở hồ sơ lưu kiểm tra, nếu đúng bị nhầm, UBND xã có trách nhiệm sửa lỗi chính tả theo quy định của nghị định của Chính phủ về vấn đề này.

Trường hợp UBND xã không lưu hồ sơ, anh C. có quyền xin sao lục chứng minh nhân dân của người cha tại cơ quan công an trước đây đã cấp. Tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2003, có thể không ghi ngày tháng năm sinh của chủ sở hữu, thì anh C. có thể xin sao lục tại hồ sơ gốc lưu ở Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Vang (vì chủ sở hữu phải cung cấp giấy tờ tùy thân liên quan  mới được cấp giấy chứng nhận).

Trường hợp xin xác nhận người cha có 2 năm sinh thực ra chỉ là 1 người, anh C. phải đến cơ quan công an, là cơ quan có thẩm quyền rà soát, thẩm định các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan, từ đó mới xác nhận đúng hay không.

Quỳnh Anh