Tốc độ tăng của nợ công gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Năm 2017, vay đảo nợ lên đến 95.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy gánh nặng nợ công đang tăng cao. Cứ 3 tháng 1 lần, Việt Nam trả nợ công gồm cả gốc và lãi với số tiền khoảng 25.000 tỷ đồng, xấp xỉ khoảng 1 tỷ USD. Nếu không giải quyết nhanh chóng và hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và giảm nợ công ở Việt Nam?

Nợ nước ngoài tăng đột biến

Theo Báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch năm 2018 của Chính phủ gửi lên Quốc hội, tổng nợ công năm 2017 là 3,073 triệu tỷ đồng, bằng 61,37% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ là 2,593 triệu tỷ đồng, khoảng 51,8% GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh là hơn 450.000 tỷ đồng (bằng khoảng 9% GDP), nợ của chính quyền địa phương là hơn 66.000 tỷ đồng (0,6% GDP), đặc biệt, nợ nước ngoài của quốc gia 2,5 triệu tỷ đồng (49% GDP).

Gánh nặng nợ công của Việt Nam đang tăng cao (Ảnh minh họa: KT)

Tuy mọi chỉ tiêu về nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn, tỷ lệ nợ công/GDP còn giảm so với thời gian trước nhưng nợ nước ngoài của quốc gia (tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp (DN), tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả theo quy định của pháp luật Việt Nam) lại tăng đột biến.

Báo cáo cũng cho thấy, trong nợ quốc gia, các khoản vay trung và dài hạn năm 2017 tăng 22,56% so với năm 2016, nhưng nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các DN và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả năm 2017 lên đến 21,9 tỷ USD, tăng tới 73% so với năm 2016. Trong đó, ¼ số nợ ngắn hạn này là khoản 5 triệu USD của Công ty Vietnam Beverage vay nước ngoài để mua cổ phần của Tổng công ty Rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

“Việc tăng đột biến dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài (nợ tự vay tự trả của DN và tổ chức tín dụng) khiến dư nợ nước ngoài quốc gia so với GDP năm 2017 tăng lên 49% GDP, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia (50% GDP)  ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong các năm tiếp theo”, báo cáo nhấn mạnh.

Nghĩa vụ trả nợ tăng mạnh

Đáng chú ý, theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng mạnh so với năm 2016 (tăng 6,3%). Nghĩa vụ trả nợ đã vượt giới hạn cho phép (dưới 25%).

Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của DN và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh. Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.

Năm 2017, tổng trả nợ Chính phủ là 253.161,65 tỷ đồng, bằng 97% so với kế hoạch. Trong đó, trả nợ nước ngoài (gồm cả cho vay lại) là 40.791,34 tỷ đồng, (bao gồm: trả gốc 28.948,75 tỷ đồng và trả lãi 11.842,59 tỷ đồng).

Theo ông Lê Văn Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ công tăng cao và tốc độ tăng nhanh trong thời gian qua chủ yếu do áp lực vốn cho đầu tư phát triển nên phải duy trì mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức cao; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay.

“Việc xây dựng, triển khai các công cụ nợ như chiến lược nợ dài hạn, chương trình quản lý nợ trung hạn; kế hoạch vay, trả nợ hàng năm chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính – ngân sách trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn; chưa có sự phân định rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công”, ông Lê Văn Cương cho biết thêm.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sở dĩ tình trạng nợ công của Việt Nam quá xấu và quá nguy hiểm là do chi tiêu công kém hiệu quả.

“Từ chủ trương đến quyết định phê duyệt, thẩm định, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thực hiện đều không tốt dẫn đến đầu tư không hiệu quả, nhiều công trình, dự án đắp chiếu, thua lỗ, lãng phí”, TS Lê Đăng Doanh chỉ rõ.

Theo các chuyên gia kinh tế, mức trần nợ công mà Việt Nam quy định (65% GDP) so với các nước thực ra chưa phải là cao nhất, bởi có nước lên 80-90%, thậm chí hơn 100%. Tuy nhiên, đồng nội tệ của Việt Nam lại không phải là đồng tiền dự trữ ngoại hối quốc tế nên việc duy trì tỷ lệ nợ công ở mức cao như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro với nền kinh tế.

Theo VOV